Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.
Trong nhiều loại tội phạm, tội tham nhũng được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên các đại biểu đánh giá, năm qua công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần chỉ rõ, chỉ đúng những địa chỉ cụ thể, trách nhiệm cá nhân ở những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Đặc biệt cần rà soát, làm rõ có hay không có việc tham nhũng trong xây dựng chính sách, đây là hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng rộng và gây thiệt hại rất lớn nhưng lại không kiểm soát được. Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị: Quốc hội phải rà soát nhất trí trong quá trình làm luật, trong ban hành văn bản chính sách để không còn kẽ hở cho tham nhũng đục khoét. Thứ hai, tăng cường cơ chế cụ thể để giám sát quyền lực và đặc biệt là giám sát tất cả các ngành, ngành dọc, giám sát chéo. Đặc biệt là quan tâm đến kết luận của hộ giám sát.
Phân tích về nguyên nhân của tình hình tham nhũng, theo các vị đại biểu, đó là do chưa có chế tài mạnh mẽ, có tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Văn bản pháp luật còn chồng chéo nên dẫn đến tình trạng lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, trong từng cấp, từng ngành, cấp độ vi phạm khác nhau. Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến việc không chỉ xử lý người vi phạm, mà phải xử lý cả người đứng đầu để xảy vi phạm. Từ đó phải nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, qui rõ trách nhiệm cụ thể và tiến tới cần có Nghị quyết chuyên đề về phòng chống tham nhũng, chứ không thể đánh giá kiểu “tình hình vi phạm còn diễn biến phức tạp”, mà không nêu cụ thể vì sao phức tạp, gia tăng, và năm nào cũng đánh giá như thế này.
Đại biểu Khúc thị Duyên (đoàn Thái Bình) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) đề xuất: Cần phải xem xét rõ trách nhiệm, vai trò của thanh tra, kiểm toán trong việc phát hiện tội phạm tham nhũng. Tổ chức một cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng và cơ quan này chỉ tập trung điều tra xử lý các vụ án tham nhũng do cán bộ cấp cao thực hiện hoặc ở cấp Trung ương. Đại biểu Hồ Văn Năm đề nghị trong thời gian tới, cơ quan kiểm tra nên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với việc xử lý hành chính của các cơ quan kiểm toán và thanh tra. Đồng thời nâng trách nhiệm đối với trách nhiệm xử lý hành chính với cơ quan thanh tra và kiểm toán, tránh bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng.
Trong buổi chiều nay, giải trình thêm về tình hình và công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Thời gian tới sẽ tập trung kiện toàn bộ máy, tăng cường cán bộ có bản lĩnh chính trị, chuyên môn giỏi để đấu tranh với các loại tội phạm. Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Thời gian tới, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Bộ Công an sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội. Liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tập trung triệt phá các loại tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao và tội phạm tham nhũng.
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội)
Về vấn đề thi hành án, đền bù án oan sai trong hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật cũng là nội dung nóng trong phiên thảo luận hôm nay. Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng: Nhiều cơ quan chưa coi trọng xử lý người đứng đầu thực hiện không đúng trách nhiệm bồi thường nhà nước. Nêu ví dụ về tỷ lệ hoàn trả đối với những vụ việc oan sai trong năm 2013 rất chậm, cụ thể chỉ có 1/10 vụ bồi thường nhà nước về xử lý hành chính được tiến hành, còn trong lĩnh vực thi hành án là 7/16 vụ, đại biểu Chu Sơn Hà đặt vấn đề: Một vụ án oan sai hy hữu trong hoạt động tố tụng, tòa án đã tuyên và người vô tội đã phải thụ hình 10 năm thì sau khi xét xử lại phải bồi thường cho người oan sai là bao nhiêu và trách nhiệm hoàn trả ra sao, hay lại chỉ thêm một gánh nặng cho ngân sách. Xót xa cho người bị oan sai bao nhiêu thì lại xót xa càng xót xa cho người dân phải nai lưng ra đóng thuế, rồi mang số tiền đó để bồi thường cho những việc làm tắc trách, vi phạm pháp luật...
Ngày mai, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)