VOV giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại phiên khai mạc Hội nghị WEF Đông Á 2014.
Thưa Ngài Benigno Aquino, Tổng thống Philippines,
Thưa Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới,
Thưa các vị Lãnh đạo và quý vị đại biểu,
Tôi rất vui mừng tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 23 tại Manila.
Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh quốc tế trước nỗ lực cải cách và tăng trưởng nhanh của Philippines trong những năm gần đây.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng Philippines.
Nhân dịp này, tôi xin đánh giá cao đóng góp tích cực của WEF và Giáo sư Klaus Schwab vào thúc đẩy sự phát triển năng động của khu vực.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới.
Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy những biểu hiện suy giảm tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực.
Một trong những nguyên nhân là động lực của mô hình tăng trưởng hiện nay không còn đủ mạnh.
Vì vậy, chúng ta cần tạo thêm những động lực mới để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững.
Theo tôi, đó là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cần phải sâu rộng hơn. Đồng thời đổi mới thể chế kinh tế thị trường với chất lượng và yêu cầu cao hơn cùng với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường tốt hơn, thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ nhanh hơn và bền vững hơn.
Hiện nay, các nước trong khu vực đang tranh thủ xu thế hợp tác, liên kết kinh tế sôi động ở nhiều cấp độ để chuyển hóa thành những động lực mới cho phát triển bền vững.
Về phần mình, Việt Nam đang là một quốc gia chính trị xã hội ổn định vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng cao, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Chúng tôi đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Hiệp định Thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan (Nga- Belarus- Kazakhstan)...
Tôi tin rằng đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh đầu tư với Việt Nam cũng như với các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Động lực tăng trưởng cũng được tạo ra từ cải cách cơ cấu và thể chế kinh tế. Hầu hết các nước đều đang ưu tiên nâng cao năng lực quản trị, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và nông nghiệp...
Diễn đàn WEF Đông Á năm nay đặt trọng tâm vào “thúc đẩy tăng trưởng vì sự tiến bộ đồng đều” là sự lựa chọn phù hợp.
Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy cải cách trong nước đi đôi với hội nhập quốc tế là phương thức hiệu quả để tạo nên nguồn động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế kinh tế thị trường và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao gắn với công bằng và tiến bộ xã hội, thân thiện với môi trường.
Thưa Quý vị,
Không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và lạc quan về tương lai hợp tác phát triển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh bức tranh khu vực thời gian gần đây, tôi hoàn toàn chia sẻ với quan ngại của Giáo sư Cơ-lau-xơ Xờ-oáp trong bài phát biểu hôm nay và tại Diễn đàn WEF Đa-vốt đầu năm 2014 là nguy cơ bất ổn đang tăng lên. Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Hiện nay, trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.
Tôi xin lưu ý về tình hình đặc biệt nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông. Từ ngày 01/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, luôn hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi kiên định và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc. Nhiều nơi, người dân tự phát biểu tình phản đối, trong đó một số người đã có những hành vi vi phạm, Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật. Tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã được giúp đỡ hỗ trợ phù hợp và hầu hết đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Thưa Quý vị,
Chúng tôi trân trọng cảm ơn ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới đã chia sẻ và ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ quý báu này. Sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Mong Quý vị và Diễn đàn Kinh tế thế giới tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)