Như tin đã đưa, ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị.
Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Hội nghị đã nghe Báo cáo của các Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nghe các tham luận của một số đại diện cơ quan Trung ương, Bộ ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, tập đoàn kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp… về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Qua các báo cáo, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy Nghị quyết 08 của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ đã được triển khai tích cực, nghiêm túc và có hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương.
Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những kết quả đạt được về tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về hội nhập kinh tế quốc tế; về bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các nguyên tắc, quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới; về công tác xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường; về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…
Bên cạnh những thành quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn đầu sau khi gia nhập WTO cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần phấn đấu khắc phục trong thời gian tới để đưa đất nước tiến vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn không chỉ “đối phó” tốt với thách thức từ bên ngoài mà còn chủ động vươn ra thị trường thế giới.
Những hạn chế yếu kém nổi lên là: thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực. Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi. Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Cùng với phát triển kinh tế, phải phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Có thể nói, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới rất nặng nề.
Về hội nhập quốc tế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.
Để thực hiện chủ trương này, phải quán triệt quan điểm “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” và định hướng “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” đã nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.
Tiềm lực kinh tế của đất nước, lực lượng doanh nghiệp trong nước có mạnh, sản phẩm hàng hoá trong nước có sức cạnh tranh cao thì nền kinh tế mới vững, vị thế trong hội nhập mới cao. Càng hội nhập có hiệu quả, chúng ta càng có điều kiện thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi cùng các đại biểu dự Hội nghị
Trong bối cảnh và định hướng nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần bám sát các chủ trương lớn như quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới với mục tiêu cao nhất là tất cả vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc cần đặt trong bối cảnh thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2020.
Cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong toàn Đảng, toàn dân. Phải coi hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế, là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Nhân dân là chủ thể của hội nhập, người được hưởng thành quả và cũng là người chịu tác động từ hội nhập.
Hội nhập kinh tế quốc tế cần gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội trong nước để nâng cao hiệu quả và tăng cường sự thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng.
Hội nhập kinh tế quốc tế cần được đặt trong mối quan hệ hài hòa với hội nhập trong các lĩnh vực khác nhưng hội nhập kinh tế quốc tế phải là trọng tâm, là nội dung chính, quan trọng nhất của tiến trình hội nhập. Hội nhập kinh tế cần đi trước một bước để tạo cơ sở, thúc đẩy hội nhập và hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Hội nhập kinh tế quốc tế phải nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương, khu vực và đa phương; tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích quốc gia. Kết hợp chặt chẽ Hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị và các chủ trương lớn trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và kết quả của 5 năm đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để sớm báo cáo, xin chủ trương chỉ đạo tiếp theo của Bộ Chính trị. Đồng thời, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW để dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)