Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Những khâu, những vùng, những mặt hàng trọng điểm... chúng ta phải tập trung thanh, kiểm tra.
Bộ ngành chức năng và các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo an toàn thực phẩm, trước mắt tăng cường thanh tra những mặt hàng trọng điểm phục vụ tết nguyên đán Giáp Ngọ.
Ngày 2/1, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2013, nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết.
Tuy nhiên, việc quy hoạch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm và vệ sinh thú y chưa được cải thiện nhiều, năng lực của hệ thống kiểm nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu, thời gian kiểm nghiệm lâu.
Bên cạnh đó nổi cộm là những vi phạm về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều loại thuốc ngoài danh mục vẫn lưu hành, việc xử lý chưa kiên quyết, nhất là tại tuyến huyện và xã.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm qua cả nước xảy ra 20 vụ vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng, trong đó có vụ ngộ độc rượu 29 Hà Nội, làm 6 người chết. Tình trạng ngộ độc rượu xảy ra ngày càng nhiều. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay đã có 83 người chết vì rượu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đa số các mẫu rượu kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu andehyd và Methanol chiếm cao nhất. Năm 2013 chiếm 61,5% các mẫu rượu không đạt yêu cầu. Trong khí đó việc sử dụng rượu của Việt Nam rất nhiều. Trung bình mỗi người uống khoảng 5 lít rượu/năm và hơn 20 lít bia. Bên cạnh đó các mẫu ruốc thịt lợn, ô mai, xí muội, ớt bột nhiễm Ecoli, rodamin, thịt lợn không đạt chỉ tiêu về sanpotamol, rau tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chiếm tới 6,3%.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, những trường hợp ngộ độc hoặc những vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện thời gian qua chỉ là bề nổi của tình hình an toàn thực phẩm hiện nay. Điều đáng lo ngại, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, không an toàn, khiến nhiều loại thực phẩm bị tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây hậu quả lâu dài và ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, an toàn thực phẩm không chỉ liên quan đến sản xuất, lưu thông hàng hóa, sức khỏe của con người mà lâu dài còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Sở dĩ vấn đề an toàn thực phẩm thực hiện chưa tốt và còn nhiều vướng mắc do các cấp chưa quyết liệt thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: “Các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hơn nữa đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Theo Phó Thủ tướng, để làm được điều này, việc đầu tiên là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Tiếp theo là tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm. Đặc biệt trong tháng hành động đảm bảo an toàn thực phẩm Tết cần vào cuộc quyết liệt.
“Những khâu, những vùng, những mặt hàng trọng điểm, chúng ta đều biết hết rồi, phải tập trung thanh tra”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các Bộ, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.../.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)