Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thể hiện trong các bản đồ Việt Nam từ thế kỷ XVII
EmailPrintAa
08:48 23/02/2013

Tài liệu vào loại sớm nhất mà đến nay chúng ta biết được nói về Hoàng Sa là bản đồ Bãi Cát Vàng trong Toản tập An Nam lộ do chúa Trịnh Căn sai Đỗ Bá biên soạn trong nhiều năm trên cơ sở tư liệu cũ, kết hợp với tư liệu mới, hoàn thành vào niên hiệu Chính Hoà thứ bảy (1686). Trong đó Đỗ Bá đã vẽ Bãi Cát Vàng (chữ nôm, tức quần đảo Hoàng Sa) và chú thích khá cụ thể về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo này, cũng như chủ quyền của Chúa Nguyễn được xác lập ở đó. Ông viết những dòng ghi chú sau đây: “Giữa biển có một dãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển… Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.

Đoạn viết mô tả về Bãi Cát Vàng của Đỗ Bá lại được biên soạn trên cơ sở trích từ tập Hồng Đức bản đồ, như vậy cho thấy ít ra người Việt Nam cũng đã khám phá hoặc biết tới quần đảo này từ thế kỷ XV và muộn nhất cũng vào thế kỷ XVII đã là những người đầu tiên chiếm hữu thực sự quần đảo Hoàng Sa và cả quần đảo Trường Sa mà không có bất cứ một sự phản đối nào của các quốc gia khác. Đặc biệt, Đại Nam nhất thống toàn đồ vào thời Minh Mệnh đã vẽ "Hoàng Sa" và "Vạn lý Trường Sa" thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung nước ta.

Việt Nam có những tư liệu lịch sử khẳng định việc thực thi chủ quyền liên tục trên thực tế của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chậm nhất cũng từ thời các chúa Nguyễn trở đi. Đây là sự hỗ trợ chắc chắn nhất cho các bản đồ nói trên. Các văn bản của Nhà nước (bao gồm các bản tấu sớ của các quan trấn/tỉnh gửi các Bộ, Nha rồi được trình lên để vua xem và phê duyệt bằng mực son), các cuốn biên niên sử và địa chí - lịch sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn gồm: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (là công trình lớn nhất và có giá trị nhất của Nội các Triều Nguyễn, ghi chép lại các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức và hoạt động của triều đại này), Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn đều có ghi lại các sự kiện xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và khảo tả hai quần đảo này. Trong đó, đặc biệt Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (quyển 221) cho biết rất cụ thể sự chỉ đạo của vua Minh Mệnh đối với việc đo đạc lập đồ bản về Hoàng Sa. Sự kiện này cũng được ghi lại trong sách Đại Nam thực lục tiền biên. Phần đệ nhị kỷ, quyển 154 nói rõ, vào năm 1836 nhà vua dụ cho Bộ Công, hằng năm đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân, biền binh và giám binh đi thuyền - với sự hướng dẫn của ngư dân Quảng Ngãi và Bình Định ra quần đảo Hoàng Sa “không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức là cứ chiếu chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng và nước biển, bãi biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ”. Chính từ kết quả đo đạt vẽ thành đồ bản đó, triều Minh Mạng đã chính thức cho vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa (tức quần đảo Trường Sa) vào Đại Nam nhất thống toàn đồ đã dẫn ở trên.

Ngoài văn bản nhà nước và chính sử còn có các loại tư liệu trong nhân dân như đơn trình, gia phả, thơ ca... và nguồn tài liệu do các học giả viết với tư cách cá nhân như: Phan Huy Chú có Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Quý Đôn có Phủ biên tạp lục, Nguyễn Thông có sách Việt sử cương giám khảo lược trong đó có ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả cơ sở vật chất là bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, miếu thờ ở Hoàng Sa và cơ sở tín ngưỡng - tâm linh là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa được tổ chức hàng năm tại huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, khu mộ gió lính Hoàng Sa, nhà thờ và mộ cai đội Phạm Quang Ảnh, người đã nhận lệnh của vua Gia Long vào tháng giêng năm Ất Hợi (1815) dẫn đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ xem xét thủy trình, vị trí phân bố của quần đảo Hoàng Sa cũng tại huyện đảo này.

Thời Nguyễn, các nhà nho còn đưa kiến thức về quần đảo Hoàng Sa vào sách dạy cho học trò. Trong khi đến năm 1906 sách giáo khoa địa lý của Trung Quốc là cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư viết: “Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18” thì ít ra trước đó ở Việt Nam vào thời Tự Đức các nhà nho Phạm Vọng (hiệu Trúc Đường), Ngô Thế Vinh (hiệu Khúc Giang) đã đưa vào trong sách Khải đồng thuyết ước soạn năm 1853 để dạy cho học trò bản đồ Bản quốc địa đồ trong đó có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ “Hoàng Sa Chử”, có nghĩa là bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa.

Nhưng không chỉ bản đồ của triều Nguyễn mà ngay người phương Tây cũng thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam, như bản đồ Châu Á Carte de I’Asia do Homann Heirs vẽ năm 1744, quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả Trường Sa) được ghi chú là “I’Ciampa” (viết tắt của chữ Islands Ciampa, nghĩa là “quần đảo thuộc Ciampa” (tức là thuộc Champa), bấy giờ là Đàng Trong của Đại Việt do các chúa Nguyễn trị vì. Hoặc cùng thời gian xuất hiện Đại Nam nhất thống toàn đồ của triều Minh Mạng, Giám mục Taberd người Pháp cũng cho đính kèm sau cuốn Tự điển Việt – La tinh nhan đề “Latino - Annamiticum” xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) vào năm 1838 một tấm bản đồ khá lớn (ngang 40cm, dọc 80cm). Tên bản đồ được thể hiện bằng ba thứ chữ: Hán, Việt, La tinh (dòng chữ Việt: An Nam đại quốc họa đồ), trong đó ghi tới khoảng 505 địa danh bằng quốc ngữ Latinh hoặc tiếng Latinh. Đặc biệt, với quần đảo Hoàng Sa (chữ Hán), ngoài ghi địa danh Paracel theo cách gọi của người Phương Tây, Taberd còn ghi tục danh là Cát Vàng (chữ Việt latinh). Rõ ràng, địa danh Cát Vàng là tiếng Việt, không thể có ở một nước nào khác! Trước đó 5 năm (1833), trong cuốn “Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes”, Taberd còn viết rõ về Paracels/Cát Vàng/Hoàng Sa như sau: “Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels, mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa (có nghĩa là Cát Vàng) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong”. 

Như vậy, về phía Trung Quốc các tấm bản đồ và những tập atlas của họ từ những năm 1930 trở về trước chỉ xác định đảo Hải Nam là cương giới phía nam của Trung Quốc, còn những tấm bản đồ từ năm 1909 trở đi tuy có từng bước quy thuộc các đảo ở Nam Hải (trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) nhưng không có bất cứ một nguồn chính sử nào của Trung Quốc chứng thực, cũng không được ghi nhận bởi những tấm bản đồ xuất bản ở các nước khác. Chỉ tính riêng bộ sưu tập 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản) xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hồng Kông trong thời gian 1626-1980 do ông Trần Thắng Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục VN tại Hoa Kỳ tặng cho thành phố Đà Nẵng đã có 80 bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam (như Siam and the Malay Archipelago (Xiêm La và quần đảo Mã Lai do The Times Atlas – Printing House Square ấn hành tại London năm 1896, đường biên giới của Trung Quốc màu sậm chỉ tới đảo Hải Nam, phần Paracel and Reefs thể hiện màu xanh nhạt; Southern China and Adjoining Countries (vùng Hoa Nam và các nước lân cận) do Harper & Brothers ấn hành tại London năm 1900 có đường viền màu vàng dọc biên giới Trung Quốc trong đất liền và xung quanh đảo Hải Nam ở phía nam; Asia (Châu Á) do Crowell & Kirkpatrick ấn hành tại Ohio (Mỹ) năm 1901 toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cho tới đảo Hải Nam (không có quần đảo Paracel) đều thể hiện màu vàng; China (Trung Quốc) do Rand McNally xuất bản ở Chicago (Mỹ) năm 1904, phần đảo Hải Nam (Hainan) tô màu vàng cùng màu với tỉnh Quảng Đông (Kwang Tung) trong đất liền, phần quần đảo Paracels & Reefs thể hiện mau xanh; hoặc cho đến năm 1979 bản đồ China (Trung Quốc) do Jonhson Map ấn hành, toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc thể hiện màu trắng cũng chỉ đến đảo Hải Nam v.v... 

Trong khi đó, về phía Việt Nam, từ rất sớm đã có những tấm bản đồ, cũng hoặc do cá nhân, hoặc do Triều đình chỉ đạo thực hiện đều đã xác định rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Đại Việt/Việt Nam. Và cũng có cả những bản đồ của người phương Tây xác nhận quần đảo Paracels hay Cát Vàng là của Việt Nam. 


    Ý kiến bạn đọc