Chuyến thăm góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ
Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 19 đến ngày 22/11/2013. Chuyến thăm sẽ góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, cùng nhau hướng tới tương lai.
Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia cùng nằm ở phương Đông, có mối quan hệ và giao lưu truyền thống hữu nghị lâu đời trên dưới 2000 năm. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đã để lại những dấu ấn đậm nét trong văn hóa Việt Nam. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ thời hiện đại được hình thành ngay từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, đã được các Lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hơn 4 thập kỷ qua kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972), quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển, đặc biệt kể từ khi hai nước ký kết “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ bước vào thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2003 và “Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ” trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007.
Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát huy rất có hiệu quả và thực chất dựa trên 5 trụ cột then chốt là: chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi đoàn thăm lẫn nhau. Mới đây nhất, năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Ấn Độ có nhiều đảng phái nhưng các đảng đều có cảm tình và coi trọng quan hệ với Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp với cả 4 chính đảng lớn ở Ấn Độ là Đảng Quốc đại cầm quyền, Đảng Nhân dân Ấn Độ, Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn khẳng định ưu tiên phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ là chính sách nhất quán.
Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ luôn coi trọng Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hướng Đông; phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Việt Nam cũng là chính sách của tất cả các chính đảng tại Ấn Độ. Hai nước cùng chung nhiều điểm đồng và hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên chính phủ Việt - Ấn về khoa học-kỹ thuật và văn hóa-giáo dục, cơ chế tham khảo chính trị, cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao… đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Trên cơ sở đó, quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Ấn Độ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Trong bối cảnh ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, thương mại hai chiều vẫn tăng, đạt gần 4 tỷ đôla Mỹ vào năm 2012. Hai nước nhất trí nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ đôla Mỹ vào năm 2015 và theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam. Ấn Độ có 73 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Mới đây, tập đoàn điện TATA của Ấn Độ được chỉ định làm nhà thầu dự án điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng, sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam đến nay. Trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh, hai bên tích cực trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin và từ năm 2003 đến nay đã tổ chức được 8 cuộc họp Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ ở cấp Thứ trưởng.
Hai nước cũng tích cực triển khai việc hợp tác về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hải dương học và thay đổi khí hậu, Ấn Độ học, Việt Nam học, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, đào tạo chuyên gia an ninh mạng; khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các khu công nghệ cao tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam ứng dụng công nghệ viễn thám vào nông-lâm- ngư nghiệp...
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường quan hệ với Ấn Độ- một đối tác truyền thống và quan trọng trong khu vực châu Á; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ, đưa hợp tác song phương trên 5 trụ cột chính đi vào chiều sâu, thực chất, thúc đẩy hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa Đảng ta với các đảng phái chính trị tại Ấn Độ, giữa Quốc hội và nhân dân hai nước, tạo nền tảng chính trị phát triển quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ cũng trao đổi với các Nhà lãnh đạo Ấn Độ về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; tăng cường phối hợp và hợp tác trên các diễn đàn đa phương.
Với quan hệ chính trị vô cùng tốt đẹp, với tình hữu nghị truyền thống gắn bó trong hơn 40 năm qua và với tiềm năng hợp tác to lớn, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thành công tốt đẹp, thắt chặt và mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn trên các lĩnh vực, hướng tới tương lai tươi sáng của hai dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới ./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)