Quốc hội biểu quyết thông qua 5 Dự án Luật.
Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, chiều 20/6, các đại Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 dự án Luật gồm: Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật công đoàn (sửa đổi) .
Mở đầu phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật giá, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật giá với 95,39% số phiếu tán thành.
Luật giá gồm có 5 Chương, 48 Điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
Theo quy định của Luật, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; có chính sách về giá nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường....
Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Bãi bỏ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật giám định tư pháp.
Với 92,99% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật giám định tư pháp. Luật này gồm có 8 Chương, 46 Điều quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.
Luật giám định tư pháp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về giám định tư pháp có nội dung khác với Luật này thì áp dụng quy định của Luật này.
Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Với 93,79% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Luật phổ biến, giáo dục pháp luật gồm có 5 Chương, 41 Điều quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Cũng trong chiều nay, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật này với 85,77% số phiếu tán thành.
Luật xử lý vi phạm hành chính gồm 6 Chương, 142 Điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Kết thúc phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi). Với 90,18% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật công đoàn (sửa đổi).
Luật này gồm có 6 Chương, 33 Điều quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; chức năng, quyền và trách nhiệm của Công đoàn; quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Theo Chương trình, ngày mai (21/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết. Trong đó có Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội...Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc, kết thúc Kỳ họp thứ 3./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)