Quốc hội sẽ nghe về Biển Đông sau phiên khai mạc sáng mai
EmailPrintAa
07:56 20/05/2014

Báo chí quan tâm phản ứng của Quốc hội sau vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Chiều nay (19/5), Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố chương trình và nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 20/5 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28 ngày.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 11 dự án luật (gồm Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật đầu tư công, Luật hải quan (sửa đổi), Luật phá sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật hôn nhân và gia đình, Luật xây dựng (sửa đổi), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật công chứng (sửa đổi), Luật sửa đổi khoản 2 điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam; 3 nghị quyết (Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town) và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 7 ngày để xem xét, thảo luận ở hội trường, ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012; Báo cáo của Chính phủ về phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; Giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012…

Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian ngay sau phiên khai mạc để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như những chủ trương và giải pháp của Việt Nam trong vấn đề này. Đây cũng là nội dung được phóng viên quan tâm đặt nhiều câu hỏi trong buổi họp báo chiều nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định Quốc hội Việt Nam chủ trương giải quyết vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; tỉnh táo, khôn khéo, kiên trì đấu tranh hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị Quốc hội đánh giá, nhận định về tình hình Biển Đông sẽ ảnh hưởng ra sao đến tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng còn lại của năm 2014, và liệu có phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, báo cáo của Chính phủ sẽ đưa ra các chủ trương, giải pháp về kinh tế-xã hội. Bản thân ông nhận thấy chưa có lý do gì phải điều chỉnh, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2014 nhìn chung khả quan.

Liên quan đến vụ việc một số doanh nghiệp nước ngoài bị các đối tượng quá khích đập phá tại Bình Dương, Đồng Nai và đặc biệt tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết doanh nghiệp tại các khu vực này đã quay lại hoạt động bình thường. Các nhà thầu Trung Quốc tại Khu kinh tế Vũng Áng đã bày tỏ ghi nhận cảm ơn sự hỗ trợ của các cấp chính quyền Việt Nam. Ông Phúc cho biết, Tổng Giám đốc Formosa cũng đã khẳng định chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ./.


    Ý kiến bạn đọc