Quốc hội thảo luận dự án Luật Căn cước, Hộ tịch
EmailPrintAa
09:42 09/06/2014

Ngày 9/6, ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ 4 kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch với nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.

Dự thảo Luật Căn cước công dân có nhiều quy định nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân (CMND). 

Theo đánh giá của Bộ Công an, một trong những mục tiêu hàng đầu khi xây dựng Luật Căn cước công dân là nhằm quy định rõ trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch; loại bỏ các thủ tục rườm rà, bảo đảm cho việc cấp CMND được nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân.

Theo đánh giá tác động Dự án luật của Bộ Công an, nếu đổi mới theo phương án khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND, công dân chỉ phải khai vào tờ khai CMND mà không phải khai vào tờ chỉ bản như hiện nay. Khi cấp lại CMND, công dân chỉ phải nộp đơn xin cấp lại CMND không cần có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn. 

Theo phương án này thì Nhà nước không phải chi kinh phí để in tờ chỉ bản. Nếu lấy số liệu cấp, đổi, cấp lại CMND năm 2013 là 7.015.778 trường hợp để tính toán thì kinh phí tiết kiệm được cho Nhà nước mỗi năm nếu không phải in tờ chỉ bản là 7.015.778 tờ x 1.000đ/1 tờ = 7.015.778.000 đồng. Bên cạnh đó, công an xã, phường, thị trấn không phải tốn thời gian, công sức để xác nhận vào đơn xin cấp lại CMND cho công dân.

Về Luật Hộ tịch, nhiều nội dung dự thảo Luật Hộ tịch xác định rõ 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: Xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi; ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, dự thảo Luật quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.


    Ý kiến bạn đọc