Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Giám định tư pháp
EmailPrintAa
08:25 30/05/2012

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Giám định tư pháp. Dự thảo không cho phép bị can, bị cáo trong vụ án hình sự có quyền yêu cầu giám định tư pháp nhưng một số đại biểu đề nghị cần trao thêm quyền cho các đối tượng này.
Theo định nghĩa của dự luật, giám  định tư pháp là việc người giám định tư  pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, nghiệp vụ  để kết luận chuyên môn về những vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, án hành chính theo yêu cầu của cơ quan tố tụng, hoặc người yêu cầu giám định.
Mở rộng đối tượng yêu cầu giám định tư pháp
Người yêu cầu giám định (được quy định theo luật) là đương sự trong vụ  việc dân sự, vụ án hành chính; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Thực tế đến thời điểm này, dựa trên kiến nghị của các đại biểu, ban soạn thảo đã tiếp thu và mở rộng đối tượng là cá nhân có quyền yêu cầu giám định tư pháp để xác định lại đúng sai của cá nhân đó trong vụ án, phục vụ tốt hơn hoạt động tố tụng.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định Đặng Công Lý (Bình Định), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác cho rằng nên mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp đối với cả bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Yêu cầu này theo đại biểu Lý là phù hợp với các Điều từ 49 đến 54 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 28 và 155 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đại biểu Mã Điền Cư nhấn mạnh việc quy định quyền giám định tư pháp cho bị can, bị cáo vụ án hình sự là cơ hội quan trọng cho các vụ án hình sự oan sai được xử lý theo pháp luật, không để lọt tội phạm.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) và Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng việc mở rộng quyền yêu cầu giám định của các đương sự trong tố tụng hình sự sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo vệ chứng cứ, dấu vết tội phạm làm cơ sở cho việc xử lý vụ án, đồng thời để kéo dài thêm thời gian tố tụng. Do vậy, hai đại biểu này đề nghị không cần phải mở rộng quyền yêu cầu giám định của đương sự trong lĩnh vực hình sự.
Cân nhắc vai trò pháp y trong Công an tỉnh, thành phố

Các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định tổ chức giám định tư pháp công lập có thẩm quyền trong những lĩnh vực quan trọng như pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Còn tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (do giám định viên tư pháp thành lập) sẽ hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Tại điều 12 dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu 2 phương án trong đó có nên hay không nên bỏ pháp y trong Công an tỉnh, thành phố mà tập trung vào phát triển đội ngũ pháp y của ngành y tế để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên thảo luận tại hội trường, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về  nội dung này. Đồng tình với việc bỏ bộ phận pháp y ở Công an tỉnh, thành phố để tập trung vào pháp y do ngành y tế địa phương quản lý, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), cho rằng như vậy sẽ giúp việc đầu tư phát triển kỹ thuật pháp y theo hướng chuyên trách, chính quy, hiện đại chứ không phân tán như hiện nay.
Hiện pháp y của ngành y tế cơ bản được thành lập từ trung ương đến địa phương và ngày càng hoàn thiện với 869 cán bộ, kỹ thuật viên. Trong khi đó số lượng này trong ngành công an chỉ có 104 người.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh dẫn thêm báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng hoạt động giám định pháp y của ngành công an còn nhiều hạn chế như chưa đủ năng lực giám định ADN, giám định tuổi. Giám định viên của ngành công an còn chưa có sự tách bạch giữa công việc giám định với công việc khám nghiệm hiện trường của kỹ thuật viên hình sự, khiến cho việc điều tra chưa khách quan…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu phát biểu tại hội trường đều tán thành việc giữ lại bộ phận giám định viên pháp y tử thi của Công an tỉnh, thành phố. Theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), giám định pháp y của công an hay y tế thì đều chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu cung cấp sai sự thật sẽ chịu trách nhiệm hình sự. Toàn bộ quá trình giám định pháp y tử thi đều được quy định chặt chẽ có sự chứng kiến của nhiều người nên đảm bảo tính khách quan.
Ngoài ra đội giám định pháp y tử  thi nằm ở Phòng Kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh hoàn toàn độc lập với cơ quan điều tra, với hiệu quả hoạt động cao, góp phần điều tra khám phá nhanh các vụ án trên địa bàn cả nước, chưa để xảy ra sai sót gây dư luận xấu. Trong khi đó giám định viên của ngành y tế hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu trong nhiều năm tới…
Các ý kiến khác cũng cho rằng giám  định viên pháp y tử thi của ngành Công an có nhiều kinh nghiệm và chấp hành nghiêm kỷ luật về thời gian trong các vụ án hình sự, giết người, đáp ứng tốt việc điều tra, phá án.
Vào cuối kỳ họp này, ngày 20/6, Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua Luật Giám định tư pháp.         

    Ý kiến bạn đọc