Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính
EmailPrintAa
08:57 31/05/2012

Chiều 30/5, tiếp tục Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khoá XIII, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai; chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, dự thảo hiện có một số nội dung còn ý kiến khác nhau về: Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; về tình tiết giảm nhẹ; những hành vi bị nghiêm cấm; các biện pháp xử lý hành chính...và một số quy định khác.
Luật Xử lý vi phạm hành chính có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tách thành hai luật là Luật xử phạt vi phạm hành chính và Luật về các biện pháp xử lý hành chính.
Theo UBTVQH, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh từ khi ban hành (năm 1995) đến nay cũng chưa có vướng mắc về phạm vi điều chỉnh. Mặt khác, giữa xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng vẫn có các điểm chung như nguyên tắc xử lý vi phạm, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... Hơn nữa, dự thảo Luật được chỉnh lý, hoàn thiện về cơ bản đã phân định một cách chi tiết, rõ ràng giữa phạm vi xử phạt vi phạm hành chính với áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo Luật.
Về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: Đa số ý kiến đề nghị giao TAND quyết định áp dụng ba biện pháp xử lý vi phạm hành chính là: đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Còn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì vẫn tiếp tục giao cho Chủ tịch UBND cấp xã quyết định. Có ý kiến đề nghị tiếp tục giao cơ quan hành chính quyết định áp dụng cả bốn biện pháp này như Pháp lệnh XLVPHC hiện hành. UBTVQH nhận thấy, những biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước (3/4 biện pháp này buộc người bị áp dụng phải cách ly khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định), phần nào hạn chế quyền tự do của công dân được quy định trong Hiến pháp. Do đó, việc giao Tòa án quyết định áp dụng các biện pháp này theo trình tự, thủ tục chặt chẽ với việc người bị áp dụng, người bào chữa được có mặt tại phiên toà, được tranh luận công khai, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. TANDTC cũng nhất trí với phương án chuyển cho Tòa án xem xét, quyết định áp dụng ba biện pháp này. Do đó, tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Tòa án quyết định áp dụng ba biện pháp xử lý hành chính: đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục. Còn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì tiếp tục giao cho Chủ tịch UBND cấp xã quyết định vì biện pháp này để áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm, không phải cách ly khỏi cộng đồng. Đồng thời đề nghị Quốc hội giao UBTVQH quy định cụ thể về trình tự, thủ tục quyết định áp dụng các biện pháp do Toà án thực hiện.

 Đa số ý kiến đồng ý với mức tiền phạt tối thiểu như dự thảo Luật

Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính: Đối với quy định này hiện có hai vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về mức tiền phạt tối thiểu. Đa số ý kiến đồng ý với mức tiền phạt tối thiểu như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức tiền phạt tối thiểu là quá thấp, đề nghị tăng mức phạt tiền tối thiểu đối với tổ chức lên 100.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng.
Theo UBTVQH, mức phạt tiền tối thiểu được áp dụng chung cho tất cả mọi đối tượng ở mọi vùng, miền đất nước, trong đó có người lao động vi phạm nhỏ, trường hợp ít nghiêm trọng, có tính chất đơn giản. Pháp lệnh hiện hành quy định mức phạt tiền tối thiểu là 10.000 đồng, nay nâng lên 50.000 đồng (tăng gấp 5 lần). Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ mức phạt tiền tối thiểu đối với cá nhân như trong dự thảo Luật và nâng mức phạt tiền tối thiểu đối với tổ chức lên 100.000 đồng như quy định tại khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật.
Về mức phạt tiền tối đa. Một số ý kiến tán thành mức phạt tiền tối đa quy định như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt tiền tối đa 2.000.000.000 đồng là quá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; dễ phát sinh tiêu cực giữa người vi phạm và người thi hành công vụ.
UBTVQH nhận thấy, việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng mức phạt tiền tối đa lên bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo tính răn đe vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân. Thực tiễn cho thấy việc nâng mức phạt tiền không phải là biện pháp hữu hiệu duy nhất để hạn chế vi phạm mà cần chú trọng áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm gây ra. Đồng thời, UBTVQH thấy rằng, do tính chất vi phạm giữa cá nhân và tổ chức khác nhau, cho nên cần phân định rõ mức phạt đối với cá nhân hoặc tổ chức vi phạm, đối với cùng hành vi vi phạm thì mức phạt của tổ chức cao hơn gấp 2 lần so với các nhân vi phạm; đối với cá nhân vi phạm hành chính thì quy định mức phạt tiền tối đa có thể là 1.000.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm hành chính thì có thể bị xử phạt tối đa đến 2.000.000.000 đồng. UBTVQH chỉnh lý khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật như sau: “Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.”

 Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội (Ảnh Mạnh Hùng) 

Thảo luận về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết nhưng cần được cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo tính răn đe vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân. Thực tiễn cho thấy bên cạnh việc tăng mức phạt còn cần chú trọng áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm gây ra. Theo đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng), mức phạt tiền cao không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm mà còn có thể dẫn đến tiêu cực. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc tăng mức phạt tối đa cho phù hợp, vừa đảm bảo tính răn đe, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay.
Theo đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) cho rằng, với tổ chức, pháp nhân, thậm chí có thể nâng mức phạt cao hơn nữa, ở cả mức tối thiểu và tối đa bởi Luật hình sự chưa quy định tổ chức hoặc pháp nhân là chủ thể của tội phạm nên bất kỳ vi phạm nào của tổ chức, pháp nhân cũng chỉ bị xử vi phạm hành chính. Trong khi đó, những hành vi vi phạm nghiêm trọng của cá nhân đều có quy định xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ những hành vi nhỏ mới bị xử phạt hành chính. Vì vậy, với mức thu nhập như hiện nay mà đề ra mức xử phạt 1 tỷ đồng với cá nhân là quá cao.
Theo đại biểu Trần Văn Độ, dự luật nên sửa đổi nguyên tắc xử phạt theo hướng, chỉ cần quy định mức xử phạt với tổ chức cao hơn với cá nhân, khôngnhất thiết phải quy định cụ thể là gấp 2 lần. Với tổ chức, mức xử phạt tối thiểu có thể là 500.000 đồng, tối đa là 5 tỷ đồng, còn với cá nhân là từ 50.000 đồng - 500 triệu đồng, nhưng không cao hơn mức phạt hình sự với hành vi tương ứng.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm góp ý nhiều và đa số bày tỏ sự tán thành là quy định về việc cho phép các vùng nội đô của các thành phố trực thuộc Trung ương được tăng mức xử phạt hành chính ở các lĩnh vực trật tự giao thông, môi trường và quản lý đô thị lên gấp không quá 2 lần mức quy định chung của cả nước.Đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết nhưng việc tăng lên bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ cho phù hợp với thực tiễn và tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hành vi. Chẳng hạn, xem xét nâng mức phạt cho hợp lý đối với một số hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường, làm hàng giả, quảng cáo, gian lận thương mại liên quan đến hoạt động kiểm lâm, quản lý biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, tài nguyên biển.
Nhiều ý kiến đồng tình với quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù tại khu vực nội thành. Theo đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng), nội đô các thành phố trực thuộc Trung ương là khu vực đặc biệt, tập trung số lượng dân cư lớn, các loại phương tiện giao thông, các cơ quan, trụ sở. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này xảy ra trong nội thành sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có mức độ ảnh hưởng rộng. Vấn đề này cũng đã được thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có kết quả ban đầu. Quy định mức phạt cao sẽ đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù tại khu vực nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng ý với quy định trong dự thảo, đại biểu Phạm Thị Thu Hồng (đoàn Bình Định) đề nghị song song với việc tăng chế tài xử phạt cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác về kinh tế, xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật để công dân chấp hành tốt; nhất là tăng cường các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không nhất trí, cho rằng, quy định này dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử phạt hành chính trong phạm vi toàn quốc. Theo đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật mà hệ thống pháp luật cũng cần thống nhất trong cả nước. Mặt khác, theo đại biểu, hiện nay, tai nạn giao thông nghiêm trọng chủ yếu xảy ra trên quốc lộ. Ở các thành phố lớn chủ yếu là ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân: Cơ sở hạ tầng yếu kém; lực lượng quá mỏng; quản lý nhà nước hạn chế. Cần tập trung xử lý những nguyên nhân này.
Liên quan đến vấn đề bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và quy định hình thức phạt bổ sung đối với người bán dâm, nhiều ý kiến đồng tình với các lý do hành vi vi phạm của người bán dâm không gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị hạn chế tự do. Thực tiễn cho thấy, mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế - xã hội thông qua các hình thức hỗ trợ lao động hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm thì mới đạt hiệu quả.
Nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn và cho rằng nên cân nhắc vấn đề này. Theo đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), vì nhiều lý do, người bán dâm được coi là nạn nhân, cần được tạo điều kiện giúp đỡ hoàn lương bằng nhiều biện pháp kinh tế xã hội khác nhau. Tuy không cần áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng không thể cho rằng hành vi của họ không gây nguy hiểm cho xã hội và cách ly họ một thời gian là quá nghiêm khắc. Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, ít nhất cũng cần lập một trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp hoặc bằng các giải pháp khác để họ có cơ hội hoàn lương chứ không nên thả lỏng, phạt cho tồn tại.
Theo Chương trình, sáng 31/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường để nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 5 dự án: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

    Ý kiến bạn đọc