Quốc hội thảo luận KT-XH: Bốn thành viên Chính phủ làm rõ nhiều vấn đề nóng
EmailPrintAa
14:14 08/06/2012

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giải đáp, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu và dư luận quan tâm.
Chiều 7/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Nghị quyết 13 là hết sức cần thiết
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn), đại biểu Hoàng Đăng Quang (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP là hết sức cần thiết, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân của những chỉ  tiêu kinh tế-xã hội đạt được và những chỉ tiêu không đạt, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu khắc phục những hạn chế trên.
Nhiều đại biểu cho biết cử tri ghi nhận những kết quả đạt được trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, cử tri vẫn còn những băn khoăn về tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Cơ bản nhất trí với các báo cáo được trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) bày tỏ băn khoăn và quan ngại về những khó khăn của nền kinh tế. Theo đại biểu, các giải pháp hiện đã có nhưng vẫn còn những vướng mắc nhất định về thủ tục  giữa các cơ quan, giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giữa các chính sách tài khoá, thương mại, đầu tư.
Đại biểu cũng kiến nghị xử lý nhanh, làm rõ các sai phạm, yếu kém của các doanh nghiệp Nhà nước sau thanh tra, đẩy nhanh sắp xếp lại các ngân hàng và doanh nghiệp yếu kém.
Các đại biểu Hoàng Văn Thượng (đoàn Cao Bằng), Bùi Thị  An (đoàn Hà Nội) kiến nghị đầu tư mạnh mẽ  hơn nữa cho “tam nông”, xứng đáng với vai trò và  vị trí  của người nông dân và nền nông nghiệp nước ta trong tiến trình công nghiệp hoá đất nước. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tăng trưởng ổn định và có  nhiều tiềm năng.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội trường Quốc hội.

Có thể giải ngân 21.000 tỷ đồng mỗi tháng
Trước những băn khoăn của các  đại biểu về chính sách tài khoá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết  trong thời gian qua, đầu tư công đã được phân bổ có hiệu quả hơn với các thứ tự ưu tiên, tránh phân tán và dàn trải. Trên đà giải ngân hiện nay, Bộ trưởng hy vọng từ nay đến cuối năm mỗi tháng có thể được giải ngân khoảng 21 ngàn tỷ đồng.
Xung quanh ý kiến của đại biểu về giảm ngay lập tức thuế giá trị  gia tăng (VAT), Bộ trưởng nêu rõ, nếu giảm thuế VAT ngay xuống còn 5% so với 10% như hiện nay thì ngân sách sẽ không bù đắp được. Bên cạnh đó, nếu không có chế tài buộc các doanh nghiệp giảm giá bán thì người dân được hưởng lợi không nhiều.
Đề cập đến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như một thông điệp để khuyến khích doanh nghiệp như ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Bộ trưởng cho biết, nếu giảm ngay xuống 20% so với 25% như hiện nay sẽ rất khó cho việc bù đắp ngân sách với khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, về dài hạn, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% vào năm 2020.
Về ý kiến của một số đại biểu cho rằng vốn đầu tư phát triển cho các bộ ngành, địa phương năm 2012 chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, ngay tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự trong quản lý vốn ngân sách nhà nước, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong đầu tư công. Đây là bước đi đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gia hạn cho các bộ ngành, địa phương đến 31/3/2012 để lập xong danh mục đầu tư, tuy nhiên nhiều  địa phương vẫn không làm kịp, vẫn còn công trình dàn trải với các công trình không nằm trong danh mục được duyệt, không đáp ứng được yêu cầu.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội trường Quốc hội.

Sẽ hạ lãi suất huy động xuống còn 9%
Giải trình phần nào những băn khoăn của các đại biểu về chính sách tiền tệ, lãi suất trong thời gian qua và hướng đi trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt không được gây khó cho tương lai và đây là vấn đề nguyên tắc.
Trong năm 2011, chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và có dấu hiệu “mở” để tăng trưởng hợp lý. Đến 2012, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu nhưng sau đó dịu dần và chính sách tiền tệ cũng được điều chỉnh, chỉ “thắt chặt” với chứng khoán và một phần nhỏ của thị trường bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bơm” một số lượng lớn tiền ra thị trường, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện rõ rệt, cả lãi suất huy động và cho vay đều giảm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận tiếp tục hạ trần lãi suất huy động VND. Theo đó, từ ngày 11/6 này, trần lãi suất huy động VND sẽ giảm một bước 2%/năm, từ 11%/năm hiện nay xuống còn 9%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Những giải pháp khác trong thời gian tới là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia; phối hợp chặt chẽ hơn nữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá; có chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn cho vay mua nhà nhằm giải tỏa hàng tồn kho đối với bất động sản.
Các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương khắc phục sai phạm
Trước nhiều ý kiến của các đại biểu về công tác thanh kiểm tra các tập  đoàn, tổng công ty Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, ngành Thanh tra đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra đối với các tập đoàn lớn như Sông Đà, Vinalines, Hoá chất… Qua thanh tra, phát hiện số tiền sai phạm lên tới khoảng 30 ngàn tỷ đồng.
Các sai phạm chủ yếu như sai quy trình thủ tục quy định, sai thẩm quyền phê duyệt và đầu tư, sai đối tượng cho phép, trình độ quản trị doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm… tuy nhiên, chưa phát hiện thất thoát, sau kết luận thanh tra, các tập đoàn và tổng công ty đã và đang khẩn trương khắc phục.
Riêng với Tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã chuyển một vụ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Đối với những sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 3 nội dung lớn là đầu tư mua sắm tàu biển, xây dựng cảng biển và đầu tư tài chính dài hạn.
Qua thanh tra, nổi lên các vi phạm là đầu tư dài hạn lớn, dàn trải; quản lý tàu phân tán và manh mún, hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm dần qua các năm, cần được cơ cấu lại.
Cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm nghiêm trọng vụ mua ụ nổi và đang được cơ quan điều tra tích cực vào cuộc.


    Ý kiến bạn đọc