Sáng ngày 29-10, ngày làm việc thứ 7, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trong chương trình làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Luật Công chứng đã được Quốc hội khoá XI thông qua nhằm thể chế hoá Nghị quyết 4-NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhằm phát triển đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, qua 6 năm triển khai, Luật Công chứng đã bộc lộ nhiều hạn chế, hơn nữa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng Việt Nam gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế, thì việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Sửa đổi Luật công chứng lần này sẽ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hoàn thiện thể chế, tổ chức và hoạt động công chứng. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng để phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Luật công chứng được bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các Văn phòng công chứng, quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Luật công chứng (sửa đổi) nhằm tăng cường trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng qua đó bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Luật có nhiều quy định chi tiết nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng, đội ngũ công chứng viên, mở rộng phạm vi hành nghề công chứng. Đề cao giá trị pháp lý của các văn bản công chứng. Ngoài ra quy định của luật sẽ đẩy mạnh việc phân cấp quản lý về công chứng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc tham gia quản lý hoạt động công chứng, từ đó hỗ trợ cho công tác quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập với nghề công chứng quốc tế.
Cũng trong buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)