Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội trong ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội (21/5). Theo Đề án, mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 là: nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030.
Tuy nhiên, theo Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hầu hết các nguyên nhân nêu trong Đề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, đã được nhận diện và đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện.
Bên cạnh đó, ý kiến các thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp.
Thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP.HCM) cho rằng, đề án còn quá sơ sài, chưa hoàn thiện và mới chỉ là “bản phác thảo ban đầu”. Các giải pháp Chính phủ nêu ra còn khá chung chung, giống với mục tiêu chung. Đề án cần chỉ ra cái cụ thể phải làm, nguồn lực ở đâu để thực hiện, thậm chí cần có chỉ tiêu định lượng để đo lường chất lượng tái cơ cấu.
Theo đại biểu này, Đề án cần đi vào cụ thể từng vấn đề, ví dụ phân bổ nguồn lực lại ra sao. Đối với doanh nghiệp nhà nước, phải tái cơ cấu về thể chế quản lý, cơ chế về sở hữu, cho đến cơ chế kiểm tra, giám sát, minh bạch thông tin, trách nhiệm người thay mặt nhà nước quản lý vốn. Có thể phải tổ chức việc thi tuyển Ban giám đốc.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cũng nhận xét, Đề án của Chính phủ chưa rõ về mặt pháp lý, chưa rõ đề án trình Quốc hội để làm gì và Quốc hội sẽ tỏ thái độ bằng văn bản pháp lý nào? Theo đại biểu Quyền, một Đề án phải có căn cứ, mục đích yêu cầu, nội dung, đánh giá tác động, lộ trình bước đi, cách thức tổ chức, nguồn lực tài chính… Nhưng tất cả những điểm này trong Đề án còn thiếu. Do đó, đại biểu Quyền đề nghị, Chính phủ phải làm rõ đề án này trình Quốc hội để làm gì. Nếu trình chỉ để góp ý cho Chính phủ về bàn thảo thì Quốc hội không phải là cơ quan tham mưu những việc như vậy. Còn nếu trình để Quốc hội quyết định thì tất cả các Ủy ban liên quan phải thẩm tra đề án.
Cùng chung quan điểm, các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bảo, Đinh Xuân Thảo, Bùi Thị An, Phạm Huy Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Thanh ở đoàn Hà Nội đánh giá, các nội dung của Đề án chưa đạt yêu cầu, còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa có phân tích sâu sắc thực trạng nên chưa thể đề ra các mục tiêu ngắn và dài hạn sát thực tế, hiệu quả.
Về tái cấu trúc tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến nhấn mạnh, muốn tái cơ cấu trước tiên phải minh bạch, để từ đó thu hút được sức mạnh của nhà đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là tư nhân đang nhìn vào đó như một tấm gương.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp, có ý kiến thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, các doanh nhân xứng đáng là người lính cụ Hồ, nhưng nhiều yếu tố khó khăn khiến họ phải “buông súng” và kéo theo là hàng ngàn người mất việc. Vậy lộ trình cụ thể trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện hiệu quả hơn.
Đại biểu Ngô Văn Dụ (đoàn Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, tái cơ cấu phải hướng đến nền kinh tế phát triển theo mô hình chiều sâu. Nhưng ngành nào có khả năng thì nên tiến trước, ngành nào chậm đến sau, không thể cùng lúc chuyển giống nhau được.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng cần làm rõ sự khác biệt giữa tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu, vì cả hai đều hướng tới cơ cấu hợp lý nhưng biện pháp và bước đi khác nhau. Đại biểu Phúc nhấn mạnh, Quốc hội phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, việc sửa đổi, ban hành, bổ sung các dự thảo luật phục vụ thế nào cho tái cơ cấu kinh tế? Hay việc phân bổ ngân sách hàng năm, trái phiếu chính phủ… phải tính đến chi phí cho tái cơ cấu, tránh chuyện bàn thì cứ bàn mà phân bổ lại như cũ, không tương ứng với tái cơ cấu.
Nêu ý kiến về giải pháp, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Hà Nội) cho rằng, các nhóm giải pháp trong Đề án mới chỉ là phần ngọn, giải quyết những hậu quả của việc phát triển nóng vừa qua, chưa xử lý được phần gốc những yếu kém hiện nay.
“Nên chăng chúng ta xác định mục tiêu chính của đề án là phát triển nền sản xuất hàng hóa mạnh, đây cũng chính là mục tiêu công nghiệp hóa đất nước thời gian tới. Giải pháp chính là các chính sách cải thiện môi trường, thu hút đầu tư trong đó phải thay đổi tư duy”, đại biểu Bảo đề xuất.
Sau khi thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phần cuối buổi chiều, các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)