Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Tại phiên họp chiều nay, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ 6 nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm: Đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi; mô hình hoạt động và chức năng giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; loại tiền gửi được bảo hiểm; mức phí bảo hiểm tiền gửi; hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Trong thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi với mục đích xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về thị trường tài chính - tiền tệ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát triển, góp phần ổn định thị trường tài chính và tăng lòng tin của người dân với hệ thống tài chính trong nước.
Nhiều đại biểu đồng tình, về bản chất, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính có nhiệm vụ góp phần bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) khẳng định: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên là một định chế độc lập. Theo đại biểu này, Ngân hàng Nhà nước trên thực tế là một cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng. Trong khi đó chức năng của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao niềm tin của người dân, giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Bảo hiểm tiền gửi còn thực hiện chức năng giám sát nhằm minh bạch hóa, công khai hóa trách nhiệm nhằm hạn chế khả năng xảy ra các đổ vỡ và bảo đảm sự ổn định, an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao
(Ảnh: Mạnh Hùng)
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: Vấn đề có ý nghĩa quan trọng, có ý quyết định của dự thảo Luật này là xác định địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo chưa làm rõ được mối quan hệ pháp luật giữa người gửi tiền và tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Do đó, rất khó để xác định được mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Về quản lý, một số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật, giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước thành lập và quản lý nhà nước. Như vậy, sẽ gọn hơn, bớt khâu trung gian trong việc thực hiện chức năng quản lý.
Cuối phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)