Quốc hội thảo luận về Dự án Luật giáo dục quốc phòng - an ninh
EmailPrintAa
08:08 23/11/2012

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, chiều 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật giáo dục quốc phòng – an ninh.

Tại phiên thảo luận chiều nay đã có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với tên gọi sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh và các nội dung của dự án luật, đồng thời phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đề xuất một số nội dung mới.

Ngoài ra các vị đại biểu đã phát biểu về bố cục, chương, điều, kỹ thuật văn bản và tính thống nhất của hệ thống pháp luật của dự thảo luật này. Về giáo dục quốc phòng - an ninh trong nhà trường, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) thống nhất với dự thảo tại Điều 11.

Đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng: Ngoài việc đưa quy định lồng ghép chương trình vào các môn học chính khóa thì việc đưa nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh cho đối tượng này vào việc tổ chức hoạt động ngoại khóa như: một ngày làm bộ đội, học kỳ quân đội ... đã mang lại kết quả tích cực cho việc nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái cho một lực lượng nhất định học sinh tham gia và đã được các bậc phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên các mô hình này chưa thực sự được đầu tư phù hợp của nhà nước. Bộ Quốc phòng và Trung ương đoàn đã có hướng dẫn liên tịch về nội dung, hình thức tổ chức nhưng kinh phí thực hiện không đi kèm, nên chủ yếu phụ huynh phải tự lo học phí cho con em mình. Do đó số lượng học sinh được tham gia còn chưa nhiều và đối tượng học sinh tham gia còn hạn chế ở trường học, các phụ huynh có điều kiện chăm lo cho việc rèn luyện nhân cách của các em.

Đại biểu Trần Hồng Thắm đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc giáo dục quốc phòng, an ninh như là một hoạt động giáo dục chính thống nhằm bồi dưỡng nhận thức cần thiết về quốc phòng, an ninh cho quá trình rèn luyện hoàn thiện nhân cách của công dân. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy đối tượng ở độ tuổi thanh niên được nhà nước quy định phải qua thời gian được giáo dục quốc phòng, an ninh trong đó gồm có bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng tại một cơ sở giáo dục chính thống đó là các trung tâm giáo dục tập trung và xem đó là trách nhiệm và điều kiện để được trở thành một thanh niên thực thụ của xã hội.

Đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội) cho rằng, giáo dục quốc phòng - an ninh cho công dân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng -an ninh của mỗi quốc gia. Mục tiêu cơ bản xuyên suốt của giáo dục quốc phòng-an ninh của các quốc gia trên thế giới đều nhằm giáo dục trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quốc phòng, an ninh cần thiết, để mỗi công dân có thể thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước.

Theo đại biểu Lê Hiền Vân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh gồm 4 điều từ Điều 14 đến điều 17 của Chương 3 dự thảo luật là thể hiện sự nhất quán bồi dưỡng quốc phòng an ninh cho các đối tượng, là bình đẳng thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mọi công dân, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ tăng cường tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, trong Khoản 1, Điều 15 Chương III việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một yêu cầu vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay.

Một số đại biểu đề nghị, dự án luật cần xác định rõ các phạm trù cụ thể như: phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục quốc phòng-an ninh để phù hợp với từng đối tượng cụ thể; đồng thời, phân biệt rõ việc giáo dục tập trung đối với nhà trường, bồi dưỡng tập trung đối tượng cán bộ, công chức và phổ biến kiến thức đối với toàn xã hội, cần nghiên cứu để có chương trình đào tạo riêng, phù hợp với đối tượng. Liên quan đến giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở, một số đại biểu đề nghị dự án luật cần có quy định phù hợp lứa tuổi, trình độ và sức khỏe của các em.

Về cơ quan tư vấn, chỉ đạo giáo dục quốc phòng - an ninh, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đồng tình với dự án luật về việc thành lập Hội đồng giáo dục quốc phòng – an ninh các cấp, cụ thể hóa vào Luật để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng an ninh trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể.
 
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng: Giáo dục quốc phòng an ninh là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quốc phòng an ninh, có liên quan đến nhiều Bộ, ngành địa phương nên cần phải có cơ quan chuyên môn làm chức năng tư vấn, chỉ đạo tổ chức thực hiện giúp cho các mặt công tác này được thực thi tốt hơn. Thực tế hiện nay chúng ta đã thành lập đầy đủ Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp, các Hội đồng này đã và đang hoạt động ổn định và có hiệu quả, chỉ cần Luật hóa các Hội đồng này chứ không phải tăng về tổ chức bộ máy.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn nhất trí thành lập các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh theo hệ thống ngành và địa phương như Điều 8 của dự luật này. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Niễn: Các trung tâm này được quản lý ở 2 cấp: cấp bộ và cấp tỉnh, không nhất thiết phải có quản lý ở cấp Chính phủ như hiện nay. Mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cần phải xây dựng một trung tâm. Trên thực tế các chức năng về giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh của Trung tâm hiện nay do các trường quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức thực hiện đạt hiệu quả mặc dù các trường này chưa được gọi là Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh.

Kết luận phiên họp chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: Trên cơ sở thảo luận hôm nay, Ủy ban Thường vụ quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến và tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Sáng nay ngày 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường để biểu quyết thông qua một số dự án và bế mạc kỳ họp. Phiên bế mạc sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.


    Ý kiến bạn đọc