Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
EmailPrintAa
09:48 12/11/2013

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 11/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Dự án Luật Xây dựng sửa đổi tăng thêm 2 chương, 45 điều so với Luật xây dựng hiện hành. Dự án Luật này còn có nhiều ý kiến khác nhau như: phạm vi điều chỉnh, quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, giấy phép xây dựng, trách nhiệm quản lý nhà nước... Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí đối với các dự án đầu tư xây dựng, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo cần bổ sung điều khoản về phương thức quản lý khác nhau đối với các dự án. Kiểm soát chặt chẽ hơn công tác thẩm định, phê duyệt và tăng cường minh bạch. Dự thảo Luật cần có cơ chế quản lý chặt chẽ chi phí các dự án đầu tư xây dựng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, quy định chặt chẽ hơn về việc cấp giấy phép xây dựng.

Về dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, các đại biểu đánh giá dự án Luật đã cụ thể hóa một số điều và bổ sung một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chỉ rõ dự án Luật vẫn còn dừng ở mức “khung”, nhiều điều khoản phải chờ hướng dẫn chi tiết mới thực hiện được. Có đại biểu đề nghị quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu các bộ, ngành, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường; công bố công khai danh tính các phế liệu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, giám sát.

Các đại biểu đồng tình cần thiết phải sửa Luật Bảo vệ môi trường, vì ô nhiễm môi trường hiện nay là đáng báo động, tác động đến đời sống dân cư. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật không có chương về bảo vệ môi trường rừng. Đó là điều đáng tiếc vì bảo vệ môi trường rừng không chỉ có ý nghĩa dân sinh mà còn có ý nghĩa an ninh - quốc phòng. Trong khi thực tế, tình trạng phá rừng hiện nay, nhất là khai thác rừng trong xây dựng thủy điện đã mang đến tác hại rất lớn đối với đời sống người dân, điển hình là tình trạng lũ lụt ngày càng phức tạp. Theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện: Mục tiêu của Chính phủ tăng độ che phủ rừng từ đến năm 2020 lên 45% cho thấy vai trò rừng rất quan trọng. Phải có chương về bảo vệ môi trường rừng, trong đó xác định rõ trách nhiệm nâng cao chất lượng rừng. 

Về quản lý Nhà nước trong thẩm định các báo cáo tác động môi trường, xử phạt hành vi vi phạm môi trường, nhiều đại biểu cho biết hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường. Thế nhưng xử phạt thì rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Qua đó cũng cho thấy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn rất lỏng lẻo. 

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình cho rằng, tình trạng vi phạm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở cả nông thôn, đô thị, khu công nghiệp cũng như ngày càng nhiều doanh nghiệp cố tình, bất chấp hủy hoại môi trường để tránh chi phí. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đặt vấn đề, tại sao nhiều vụ doanh nghiệp vi phạm môi trường nghiêm trọng như Vedan, Hào Dương... lại chủ yếu do cảnh sát môi trường và chính người dân phát hiện chứ thanh tra môi trường rất ít tìm ra, cho thấy công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn lỗ hổng. 

Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, hầu hết xử phạt trong lĩnh vực môi trường chủ yếu là phạt hành chính, chưa có vụ nào truy cứu trách nhiệm hình sự, dù hành vi sai phạm là rất nghiêm trọng. Theo đại biểu Phụng: Vedan vi phạm nặng thế nhưng chỉ bị phạt 200 tỷ đồng. Hào Dương vi phạm tới lần thứ 10 nhưng cũng chỉ bị phạt hành chính. Trong khi hành vi của các doanh nghiệp này là không thể chấp nhận được khi xả thải trực tiếp ra môi trường. 

Đại biểu Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) cũng nhận định, Luật đưa ra nhiều hành vi cấm nhưng chế tài xử phạt lại nhẹ, nếu tác động đến đời sống người dân thì phải xử hình sự để đủ sức răn đe.

Về quy hoạch xây dựng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật, nhằm kế thừa được quy định của Luật Xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành. 

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến

Các đại biểu Lê Trọng Sang, Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật Quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn. Theo đại biểu Lê Trọng Sang, trong các điều khoản quy định về quy hoạch xây dựng không điều chỉnh nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ làm quy hoạch hay trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch... Trong thực tiễn vừa qua, chính do phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng không bao phủ dẫn đến chất lượng quy hoạch kém, nhiều đề án quy hoạch không hoàn chỉnh... Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh không nói đến đối tượng quy hoạch xây dựng, mà chỉ tập trung quy định đối tượng xây dựng. Xây dựng và quy hoạch xây dựng là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau, đối tượng phạm vi điều chỉnh quy hoạch xây dựng rộng hơn đối tượng điều chỉnh của xây dựng. Theo đại biểu Lê Trọng Sang, đây cũng là hành lang pháp lý, quy định để ràng buộc các tổ chức liên quan đến quy hoạch xây dựng.

Về việc tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng. Quyết định đã có thời gian đủ để đánh giá, tổng kết để từ đó có thể đúc kết, bổ sung vào dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cụ thể hơn. Theo đại biểu Võ Thị Dung thì trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành Trung ương rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong Luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.

Thứ ba, ngày 12/11/2013, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, tiếp tục xem xét về công tác nhân sự; buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa và thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). 


    Ý kiến bạn đọc