Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 14 Chương, 132 Điều quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi tắt là hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh), Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị, cần làm rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp (DN) mất khả năng thanh toán, tránh chung chung, định tính như quy định trong dự luật, đánh đồng việc xác định DN mất khả năng thanh toán với không thanh toán được khoản nợ đến hạn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn với khái niệm về phá sản trong dự luật. Theo ông, khái niệm không thanh toán khác với không có khả năng thanh toán. Nếu không làm rõ, đơn xin phá sản sẽ nộp tràn lan và tòa án cũng khó khăn khi giải quyết vì các quy định không rõ ràng.
Chia sẻ sự lo lắng của nhiều đại biểu rằng luật này khi ra đời sẽ khiến DN phá sản nhiều hoặc lợi dụng để kiện tụng, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các quy định của dự luật đều rất chặt chẽ, hoàn toàn có đủ điều kiện để thông qua. Theo đại biểu Lịch, nếu chúng ta không sửa đổi như luật này thì không giải quyết được thực tế DN ”chết mà không chôn được”. Luật này tiếp cận theo hướng để doanh nghiệp lành mạnh tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp.
Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, không nên lo ngại luật ra đời sẽ gây phá sản nhiều doanh nghiệp bởi từ điều 25 đến điều 105 có đến 80 điều từ việc mở thủ tục đến hội nghị chủ nợ… trước khi xác định doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay lâm vào tình trạng phá sản. Do vậy, quy định như vậy là chặt chẽ và không nên nhầm cứ có nộp đơn là doanh nghiệp phá sản.
Đóng góp ý kiến về chế định Quản tài viên, nhiều đại biểu cho rằng chế định này là một bước đột phá trong dự thảo luật, song dự thảo Luật lại trao quá nhiều quyền năng cho Quản tài viên, trong khi đó lại chưa có cơ chế kiểm soát. Các đại biểu đề nghị đưa vào trong Luật quy định Quản tài viên phải báo cáo 1 tháng/lần.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) tán thành với quy định trong dự thảo Luật là Quản tài viên là người có chuyên môn, kinh nghiệm đáp ứng đúng yêu cầu, có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, được Tòa án nhân dân chỉ định theo yêu cầu của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quản tài viên lấy nguồn từ Luật sư, Kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, tài chính có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề, hoạt động và chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân, tương tự như các nghề nghiệp đặc thù khác như Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại…
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) băn khoăn về tính khả thi của chế định Quản tài viên vì đây là vấn đề mới, nhất là nguồn Quản tài viên khi Luật Phá sản (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực. Các đại biểu đặt vấn đề, Điều 11 của dự thảo Luật quy định, Quản tài viên là người có phẩm chất đạo đức, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết trung thực khách quan, vậy lấy tiêu chí gì và ai là người có đủ quyền để đánh giá được phẩm chất, năng lực của những Quản tài viên này? và ai là người có đủ tư cách để giới thiệu?... thì trong dự thảo luật chưa nêu rõ và cụ thể.
Ngoài ra, cũng có đại biểu đề nghị quy định cụ thể về mối quan hệ, thẩm quyền, trách nhiệm của Quản tài viên với Thẩm phán, Chấp hành viên trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết vụ việc phá sản.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến đó là thủ tục phá sản (Điều 39). Theo dự thảo luật, doanh nghiệp (DN) được yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn trong những trường hợp sau đây: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp tạm ứng chi phí phá sản; Doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động kinh doanh bị thua lỗ đã được Nhà nước áp dụng biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn không phục hồi được. Kèm theo đơn yêu cầu, doanh nghiệp, hợp tác xã phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc phá sản. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo thủ tục rút gọn, Tòa án nhân dân xem xét và xử lý, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo thủ tục rút gọn và giải quyết phá sản.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, việc xử lý cho DN phá sản như quy định trên vẫn quá rườm rà về thủ tục, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận xét, việc thụ lý đơn xin phá sản đang mất nhiều thời gian cho mỗi khâu, cần phải được đổi mới theo tinh thần cải cách hành chính. Bởi nếu tính gộp thời gian cho từng khâu trong toàn bộ quy trình, thời gian để xử lý một DN phá sản từ khi tiếp nhận đơn đến khi hoàn tất có thể phải kéo dài tới 3 tháng.
Không tán thành ý kiến với các đại biểu trên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian quy định cho từng quy trình như trong dự luật là thống nhất với các luật khác, từ khâu thụ lý ban đầu đến khâu giải quyết cuối cùng đều là thời gian tối thiểu, không thể rút ngắn hơn. Đại biểu Ánh đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo luật.
Một số ý kiến khác đề nghị quy định thủ tục phá sản rút gọn đối với trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đối với trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không có người đại diện hợp pháp tham gia thủ tục phá sản thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản làm đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong giải quyết vụ việc phá sản. Trường hợp doanh nghiệp còn tài sản thì giải quyết theo thủ tục phá sản thông thường. Trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản để nộp tạm ứng chi phí phá sản thì áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)