Tiếp tục kỳ họp thứ 5, chiều 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 và Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Quốc hội cũng thông qua 3 dự án luật gồm: Luật hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.
Đầu giờ chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 với 461/463 (chiếm 92,57%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành
Tiếp đó, với 460/464 (chiếm 92,37%) vị đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Sau đó, Quốc hội thông qua dự án Luật hòa giải cơ sở với 450/ 465 (chiếm 90,36%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Hòa giải cơ sở gồm 5 chương, 33 điều quy định về nguyên tắc, chính sách hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở. Hoạt động hòa giải của Tòa án, hòa giải thương mại, trọng tài, hòa giải lao động và hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định của các luật khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Cũng trong chiều nay, với 443/462 (chiếm 88,96%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú
Luật Cư trú sửa đổi lần này góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Cư trú hiện hành và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, nhất là khu vực nội thành của các thành phố lớn.
Các nội dung được bổ sung, sửa đổi gồm: Hành vi bị nghiêm cấm như hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại đó hoặc để trục lợi; về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn thuộc Trung ương như quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm; quy định diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ; bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú là người độc thân về sống với anh chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột và ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú như rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống còn 6 tháng; quy định về thời hạn Sổ tạm trú (hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định thời hạn Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có thời hạn 12 tháng).
Nội dung cuối cùng của chương trình làm việc chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp với 414/461 (chiếm 83,13%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Khoản 2, Điều 170 quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tổ chức, quản lý, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quyền chọn đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/7/2006 hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12/2012, chỉ có khoảng 3.000/6.000 doanh nghiệp FDI hoàn thành đăng ký lại theo quy định này. Tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI không thực hiện được thủ tục đăng ký lại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư. Một số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi tại Giấy phép đầu tư vì không thể thực hiện thủ tục đăng ký lại. Điều này đồng nghĩa với việc một nguồn vốn lớn sẽ rút khỏi Việt Nam, hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc, làm phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp...
Vì vậy Khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo hướng: Bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp.
Việc sửa đổi này nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách Nhà nước./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)