Quốc hội thông qua Luật Khoa học công nghệ và thảo luận Luật Thi đua, khen thưởng
EmailPrintAa
08:11 19/06/2013

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 18/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu về dự án Luật Khoa học Công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Thi đua Khen thưởng.

Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc thành lập tổ chức KH&CN

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu về dự án Luật Khoa học Công nghệ (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khao học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành các nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, cũng còn một số điều cần đề nghị chỉnh sửa, bổ sung. 

Về các quy định liên quan đến các tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN), một số ĐBQH đề nghị cần quy định rõ, đảm bảo minh bạch về trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động tổ chức KH&CN ; đề nghị phân loại tổ chức KH&CN theo cấp quản lý. 

Tiếp thu ý kiến xác đáng nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng Ban soạn thảo dự án Luật đã rà soát, chỉnh sửa các quy định về trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động của các tổ chức KH&CN theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc thành lập tổ chức KH&CN. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được quyền thành lập tổ chức KH&CN khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 11. Dự thảo Luật cũng đã giao Chính phủ quy định điều kiện thành lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN.

Về phân loại tổ chức KH&CN, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập. Về vấn đề này, UBTVQH cho biết: Ý kiến nêu trên là xác đáng và phù hợp với Nghị quyết 20-NQ/TW về việc có quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập. Các tổ chức KH&CN ngoài công lập được thành lập khi đáp ứng các quy định tại Điều 11. 

Về các chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực KH&CN, về cơ bản các đại biểu (ĐB) nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định về chức danh KH&CN cho hợp lý hơn; quy định cụ thể hơn các ưu đãi đối với các nhà khoa học; đề nghị nhà khoa học đầu ngành được hưởng chế độ nhà ở như đối với chuyên gia nước ngoài..

Nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trên, Ban soạn thảo dự án Luật đã rà soát, chỉnh sửa để thể hiện phù hợp hơn quy định về chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ . Về chính sách nhà ở đối với nhà khoa học đầu ngành và các ưu đãi cụ thể khác, UBTVQH cho rằng không nên quy định cụ thể trong Luật mà giao Chính phủ quy định tùy thuộc vào từng thời kỳ, ngành, lĩnh vực nghiên cứu và đối tượng cụ thể để có thể linh hoạt ban hành các chính sách ưu đãi cho phù hợp. 

Về các quy định liên quan đến tài chính và đầu tư cho KH&CN, có ý kiến đề nghị các quy định liên quan đến ưu đãi về thuế cho hoạt động KH&CN trong Luật này cần phù hợp với pháp luật về thuế. Tiếp thu ý kiến trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát toàn bộ quy định về ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật để thể hiện khái quát chính sách ưu đãi thuế tại Điều 64, không quy định các định mức ưu đãi cụ thể.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật với hơn 87,75% đại biểu tán thành. Đồng thời, Quốc hội cũng thống nhất quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam

Quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó

Theo tờ trình của Chính phủ, trong tổng số 103 điều của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 44 điều (được sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương IV), trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng... Thảo luận về dự án Luật này, về cơ bản nhiều ý kiến tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng còn một số điều cần bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện thêm để Luật sát với thực tiễn hơn nữa. 

Cụ thể, về việc không lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng, có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa thể hiện được mối quan hệ khen thưởng chính là kết quả của phong trào thi đua cũng như tác động của khen thưởng đối với phong trào thi đua. Đồng thời, khi các tiêu chuẩn khen thưởng còn định tính thì cần thiết phải quy định cụ thể các tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua để làm cơ sở cho việc khen thưởng được chính xác hơn. Bởi vậy, các ĐB đề nghị để các hình thức khen thưởng thực sự có ý nghĩa tôn vinh, cần quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen theo mức độ cống hiến, đóng góp, phạm vi ảnh hưởng của thành tích. 

Đồng tình với các ý kiến trên, ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) đề nghị, cần phải khen thưởng kịp thời sẽ phát huy được sức mạnh của nhân dân. Hơn nữa, nếu không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn để xét khen thưởng thì dễ dẫn đến khen thưởng không chính xác.

Về việc xét tặng danh hiệu, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh), cần tôn vinh kịp thời các nghệ nhân vì hiện nay, chưa có nghệ nhân nào được tôn vinh, xét tặng các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Đó là những người đã dành cả đời tâm huyết để truyền lại những gì tinh túy của văn hóa dân tộc, trong khi đó đa số các nghệ nhân đều đã cao tuổi, nếu không có hình thức khen thưởng kịp thời trước khi quá muộn.

ĐB Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có sự ghi nhận thực sự đối với tổ chức, người lao động ngoài khu vực Nhà nước. Cần bổ sung danh hiệu lao động giỏi dành cho lao động vượt mức, lao động sáng tạo, lao động xuất sắc. Cùng với đó, cần có danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

Về việc xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, theo dự thảo quy định, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm 1 lần vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hàng năm như hiện nay. Về vấn đề này, nhiều ĐB cho rằng nếu 5 năm mới xét tặng các danh hiệu, giải thưởng 1 lần khiến thi đua, khen thưởng không kip thời, vì vậy nên cân nhắc thời hạn này. Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho rằng sẽ gây thiệt thòi cho những người có thành tích nhưng phải chuyển công tác hoặc đến thời hạn về hưu.


    Ý kiến bạn đọc