Quy định về giá điện cần phù hợp với Luật Giá
EmailPrintAa
14:02 21/06/2012

Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 20/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Đa số các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết.

Quan thảo luận, đa số các ý kiến đồng tình giữ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ quy hoạch điện cấp huyện. Một số ý kiến nhấn mạnh ngành điện hiện nay vẫn còn độc quyền. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là những nơi chưa có điện lưới quốc gia, việc quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định giá điện trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực là rất khó khăn cho các tỉnh. Điều này cần phải sửa đổi theo hướng Chính phủ và Trung ương hỗ trợ các vùng chưa có điện lưới quốc gia.

Có ý kiến đề nghị, đối với các công trình, dự án đầu tư mới của ngành điện cần bắt buộc lựa chọn công nghệ tiên tiến có mức tiêu thụ điện năng thấp, đồng thời từng bước loại bỏ trang thiết bị công nghệ cũ tiêu thụ nhiều điện năng.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) nêu ý kiến:“Dự thảo luật cần bổ sung rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên; đề nghị đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ điện, cơ khí điện để nội địa hóa thiết bị điện ở Việt Nam, góp phần quan trọng cho việc giảm chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Dự thảo Luật cũng cần thể hiện sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và sự tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) góp ý: Nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa, nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường, vì theo kế hoạch đến năm 2022 mới thực hiện giá điện bán lẻ cạnh tranh. Đại biểu đề xuất xem xét, bổ sung một khoản quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho các cá nhân, tổ chức đầu tư khai thác nguồn năng lượng điện tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất để giảm áp lực lên nguồn điện chung của quốc gia. Trên thế giới đã có rất nhiều ví dụ thành công sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này cho sinh hoạt và cho sản xuất.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho rằng, trong lộ trình đề xuất của Chính phủ, đến năm 2022 mới tính đến khả năng cạnh tranh giá bán lẻ điện là quá chậm. Còn nếu chỉ có một đơn vị duy nhất bán lẻ, không có cạnh tranh sẽ dẫn đến nhiều sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch. Đại biểu An đề nghị cần rút ngắn thời gian cạnh tranh giá bán lẻ điện càng sớm càng tốt nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của đông đảo người tiêu dùng.
Trong cơ sở tính giá thành, ngành điện phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, làm rõ trách nhiệm của các bên đối với việc tiêu hao trong quá trình truyền tải điện” - đại biểu Bùi Thị An kiến nghị.
Để có thị trường điện cạnh tranh, nhiều đại biểu đề xuất cần tái cơ cấu ngành điện; đồng thời, khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia đầu tư, làm tăng nguồn điện cung ứng cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư của tư nhân; bổ sung quy định cho các tổ chức kinh tế tham gia sản xuất cung ứng điện; khuyến khích phát triển điện cạnh tranh cho các thành phần kinh tế khác nhau.
Liên quan tới giá điện, các ý kiến đề xuất quy định về giá điện cần phù hợp với Luật Giá. Việc tính giá điện chưa tính hết các yếu tố, thấp hơn giá trị thực tế sản xuất nên chưa tạo được động lực khuyến khích sản xuất kinh doanh điện và khiến người sử dụng chưa có ý thức tiết kiệm điện. Dự thảo cần làm rõ các loại giá và phí vì khi chuyển phí thành giá sẽ khiến giá bán lẻ điện bị đẩy lên rất cao, về bản chất kinh tế thì kết cấu đó không hợp lý.
Nhấn mạnh điện lực là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thống nhất với Dự thảo “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Đề nghị cần làm rõ khái niệm “sự điều tiết của Nhà nước” là gì? Theo đại biểu, sự điều tiết của Nhà nước không có nghĩa là duy trì sự độc quyền của ngành điện như hiện nay.
Đại biểu Nguyệt cho rằng, giá điện phải có sự “gặp nhau” giữa người mua và người bán. Nhà nước cần nghiên cứu tách bạch giá điện giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích. Cần tăng cường nội địa hóa thiết bị điện ở Việt Nam để làm hạ giá thành sản phẩm.
Tán thành quan điểm xây dựng quy định về giá bán điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, nhưng đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, giá điện bán lẻ là quan trọng nhất, liên quan trực tiếp tới nhiều người dân. Thời gian qua, tình trạng độc quyền trong cung cấp điện đã gây bức xúc trong dư luận. Để chống độc quyền, cần công khai, minh bạch giá điện trên cơ sở giá phải bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị.
Ngoài các nội dung trên, các đại biểu còn cho ý kiến về quy hoạch phát triển điện lực; giấy phép hoạt động điện lực; về an toàn, bảo vệ môi trường…
Chiều nay, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 5 Luật, gồm: Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

    Ý kiến bạn đọc