Sớm giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động
EmailPrintAa
22:11 01/02/2023

Sáng 1-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đánh giá về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng điều hành hội nghị.

Dự hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quan trọng, giúp hoạt động công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Tại hội nghị này, Thủ tướng mong muốn hai bên đánh giá một cách khách quan, trung thực kết quả thực hiện công tác phối hợp trong năm 2022, đưa ra nhiệm vụ giải pháp 2023 một cách thiết thực, hiệu quả.

Nhấn mạnh cần chọn một số việc làm cụ thể, trọng tâm, thiết thực để hoàn thành dứt điểm, mang lại hiệu quả trong công tác phối hợp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý công tác phối hợp cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, phải tập trung giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề của công nhân, người lao động .

Bên cạnh đó, đối với công nhân lao động, có an cư mới lạc nghiệp, vì vậy, cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Cùng với đó, bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động...

Thủ tướng tin tưởng công tác phối hợp trong thời gian tới giữa hai bên sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động; góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tại hội nghị khẳng định: Năm 2022, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các nội dung phối hợp được triển khai khá toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động, phát triển kinh tế - xã hội, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Công đoàn Việt Nam và Chính phủ trong sạch, vững mạnh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động; cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa tai nạn lao động; đề xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí của công nhân, lao động...

Việc phối hợp thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan cơ bản thực hiện kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức giám sát về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và các chính sách hỗ trợ liên quan khác; từ đó kiến nghị nhiều chính sách quan trọng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật nổi bật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 38 về Tiền lương tối thiểu vùng, Công điện số 1170 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch chăm lo Tết với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với các hoạt động chủ yếu: Tổ chức thành công 22 Chương trình Chợ Tết Công đoàn; phối hợp tham mưu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đi thăm, chúc Tết và tặng gần 18 nghìn suất quà tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số tiền gần 23,7 tỷ đồng; chăm lo hỗ trợ cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng nguồn kinh phí là trên 5.185 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận về các vấn đề Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở liên quan tới đời sống công nhân, người lao động như vấn đề giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống; tập trung tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân; từng bước giải quyết các vấn đề về thiết chế văn hóa thể thao, y tế giáo dục góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe…

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tuy có nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm. Trong đó, hơn 68,43 triệu lượt người lao động và hơn 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng.

Về công tác chăm lo Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Dịp Tết Quý Mão 2023, nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng đã được đón Tết Nguyên đán 2023 đầm ấm, sum vầy, đoàn kết, hiệu quả. Kết quả đó có phần đóng góp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về nhiệm vụ phối hợp công tác năm 2023, trên cơ sở phân tích điều kiện, môi trường hoạt động công đoàn, với dự báo có những thay đổi quan trọng, gặp nhiều thách thức hơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp Công đoàn thực hiện toàn diện các thỏa thuận đã cam kết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng đối với người lao động của người sử dụng lao động.

Thủ tướng lưu ý, các cấp Công đoàn cần tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”,  “Năng suất cao, chất lượng tốt”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; vận động đoàn viên, người lao động tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động; giải quyết vấn đề nhà ở; quan tâm tới thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế cho người lao động.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngoại giao, Lao Động - Thương binh và Xã hội dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động.

Các Bộ: Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Tài Chính dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Các Bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo dưới dự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa, xây dựng các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ người lao động.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng và đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết, xử lý. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt mong muốn. Tại hội nghị, Thủ tướng giao từng việc cụ thể và yêu cầu các bộ, ngành để thúc đẩy thực hiện.

Nguồn: KIM ANH /qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/som-giai-quyet-van-de-viec-lam-thu-nhap-doi-song-cua-cong-nhan-lao-dong-717805 )


    Ý kiến bạn đọc