Tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo
EmailPrintAa
08:20 23/10/2013

Chiều 22/10, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, có 125 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 18 ý kiến phát biểu tại Hội trường, 02 đại biểu và 03 cơ quan, tổ chức gửi ý kiến bằng văn bản. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ban soạn thảo dự án, Ủy ban pháp luật và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng gồm 46 điều sửa đổi và 1 điều bổ sung. Về quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật đã thể hiện cơ bản các quan điểm theo định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đó là: nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng; tăng thời gian xét tặng đối với các danh hiệu như “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”... Tuy nhiên, cần phải tiếp tục thể hiện rõ trong dự thảo Luật các vấn đề như: quy định cụ thể hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo; giảm bớt hình thức khen thưởng cấp nhà nước; quy định thống nhất các hình thức khen thưởng trong hệ thống chính trị và đối với các tổ chức, cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo (Ảnh: Mạnh Hùng)

Thảo luận tại Hội trường, 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị: “Để thực hiện chủ trương tăng cường khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, Luật nên cụ thể hơn theo hướng mở rộng về điều kiện và tiêu chuẩn đối với 2 hình thức khen thưởng là Huân chương lao động hạng ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng trên có cơ hội được khen thưởng. Về thời điểm xét danh hiệu thi đua khen thưởng và hình thức khen thưởng, tôi nhất trí với dự thảo luật, nhất là danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc nên xét thi đua 5 năm một lần thay vì mỗi năm một lần như hiện nay.”

Do quy mô, đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân, theo đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai) đề nghị bổ sung thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ xét đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng cho lực lượng này. Đại biểu Ngô Văn Hùng đề nghị bổ sung vào điều 79 thẩm quyền quyết định thi đua, khen trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Còn theo đại biểu Khúc Thị Duyền, (đoànThái Bình) cho rằng, hình thức khen thưởng cho công nhân, cho nông dân và cho người lao động trực tiếp như trong dự thảo luật cũng tạo ra động lực rất mới, động viên, lôi cuốn và khuyến khích mọi cá nhân, mọi tập thể và các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào thi đua, đặc biệt thể hiện dân chủ, công bằng. Theo đại biểu Khúc Thị Duyền, thực tế thời gian qua có những lúc chúng ta khen lãnh đạo, cán bộ còn nhiều hơn là những người công nhân lao động ở trong các xí nghiệp, trong các nhà máy hoặc là với nông dân, những người sản xuất kinh doanh giỏi, những người có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, trong kinh doanh. 

Đại biểu, Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) tán thành với những ý kiến cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2003 và những quan điểm, mục tiêu sửa đổi, bổ sung luật được nêu trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng ý với nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Huy Hùng cũng đề nghị, hiện nay tầng lớp doanh nhân ngày càng đóng góp năng lực, trí tuệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Thời gian qua có rất nhiều giải thưởng, danh hiệu của các tổ chức, cá nhân nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân, tuy nhiên chưa có danh hiệu thi đua riêng có được quy định trong Luật thi đua, khen thưởng để động viên và tôn vinh các doanh nhân, đánh giá đúng vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước. Đại biểu Phạm Huy Hùng đề nghị bổ sung quy định một số danh hiệu thi đua cho các doanh nhân tương tự như các danh hiệu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghệ thuật, đồng thời bổ sung các quy định về quản lý nhà nước đối với việc các tổ chức, cá nhân tổ chức trao giải thưởng, danh hiệu cho các doanh nghiệp, doanh nhân, sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp cũng như các danh hiệu khen thưởng khác. Hiện nay việc trao các danh hiệu quá nhiều và gây ra nhiều ý kiến khác nhau, bởi vậy việc quy định các quy trình và tiêu chí cho các hoạt động đó cần được quy định thành luật để chuẩn hóa các danh hiệu này.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung các nguyên tắc cùng một thành tích thì không xét các danh hiệu thi đua khác nhau hoặc không để các cấp khác nhau cùng xét khen thưởng nhằm tránh bệnh thành tích và hạn chế tác dụng của phong trào thi đua. Nếu cấp trên đã khen thì cấp dưới không khen trùng và cấp nào khen thì cấp đó thưởng. Các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về vấn đề thi đua và thể hiện cân đối với nội dung khen thưởng; không lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng nhằm tăng ý nghĩa thực chất, tính chính xác của khen thưởng, khắc phục xu hướng cộng dồn thành tích, tình trạng khen thưởng tập trung vào lãnh đạo. 

Phiên thảo luận chiều nay đã có 18 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường, đều nhất trí với bản giải trình, tiếp thu và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và cho rằng các quy định đã hướng về cơ sở và hướng về người trực tiếp lao động sản xuất, hướng tới tránh khen tràn lan và khen phải thực chất, đồng thời khen phải gắn với phong trào thi đua. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Vấn đề thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện trong quá trình sửa đổi toàn diện luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trước mắt đề nghị cho quy định theo hướng như trong dự thảo đặt vấn đề, sau này sẽ tiếp tục tổng kết và tiếp tục hoàn thiện.


    Ý kiến bạn đọc