Một góc thành phố Hà Nội.
Luật Đất đai năm 2024 giúp giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, bảo đảm sau khi luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Chính phủ trình thời điểm luật có hiệu lực sớm hơn so với dự kiến, thể hiện nỗ lực rất lớn để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, qua đó mang lại nhiều lợi ích, tác động tốt đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiếp thu nhiều ý kiến góp ý để xây dựng “dự thảo Nghị định Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” (dự thảo Nghị định) có tính khả thi, đáp ứng tình hình thực tiễn. Cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã bày tỏ thống nhất với nội dung cụ thể quy định về “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” trong dự thảo Nghị định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã bao gồm đầy đủ các nội dung của dự án như tổng số diện tích từng loại đất thu hồi; tổng số người có đất thu hồi; tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi phí bảo đảm tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cũng như các phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Đồng thời dự thảo Nghị định xem xét không quy định địa phương phải ban hành quyết định phê duyệt “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” cho mỗi người có đất thu hồi, để giảm bớt thủ tục hành chính cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện...
Nội dung quan trọng khác được đề cập trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất với nhiều chính sách cụ thể phù hợp từng nhóm đối tượng, từng loại đất, nhất là các “địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”. Các vấn đề được nêu liên quan các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; bố trí tái định cư cho người tự nguyện tặng cho Nhà nước quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...
Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương đã khẩn trương thực hiện việc xây dựng các chính sách này, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với luật và các văn bản dưới luật ngay khi có hiệu lực. Trên diễn đàn các kỳ họp Quốc hội và thực tiễn đời sống, các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân đều rất kỳ vọng hệ thống pháp luật đất đai hoàn thiện sẽ góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Luật Đất đai năm 2024 được đánh giá có tầm quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Thời gian tới, Quốc hội xem xét, thông qua nội dung mới, cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong việc tổ chức, ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành của Chính phủ.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương nêu trên, vấn đề đặt ra là các cấp, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trên cơ sở thông tin và đề cương tài liệu của cơ quan chức năng, tiếp tục tuyên truyền hiệu quả để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về Luật Đất đai năm 2024.
Bởi làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luật Đất đai và các luật, nghị quyết quan trọng của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ mang lại hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống trong thời gian tới.
Nguồn: THÁI TRUNG/nhandan.vn
(https://nhandan.vn/tao-dong-thuan-xa-hoi-khi-thuc-hien-luat-dat-dai-post814665.html)
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)