Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn; tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch ...
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật đầu tư (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 Chương, 69 điều. So với Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 11 điều, sửa đổi 49 điều, bổ sung 9 điều mới và bãi bỏ 29 điều, trong đó bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Bãi bỏ yêu cầu cấp Giấp chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Bộ trưởng, một trong những điểm đáng lưu ý của dự thảo Luật là đã bãi bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Đối với các dự án không thuộc trường hợp nêu trên, nhà đầu tư có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan, nếu có yêu cầu. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở để nhà đầu tư triển khai hoạt động của dự án đầu tư và là căn cứ áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các thủ tục liên quan khác theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lí giải, việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án này nhằm bảo đảm quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư mà còn góp phần xóa bỏ sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan quản lý, tạo điều kiện để các cơ quan này tập trung nguồn lực quản lý đối với dự án dự án đầu tư có điều kiện.
Việc bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương án nêu trên là bước cải cách đột phá trong quản lý đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, Cơ quan soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này nhằm đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp, tránh tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội– cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng đồng tình với quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng dự thảo Luật chưa quy định công cụ và chế tài để kiểm soát quản lý dòng vốn đầu tư thực để thực hiện chức năng quản lý vĩ mô. Do vậy, Ủy ban này nhận thấy cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng nhưng vẫn phải bảo đảm sự quản lý thống nhất của nhà nước, đặc biệt đối với lĩnh vực góp vốn thực để đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, cần nhấn mạnh mục đích ra đời đầu tiên của Luật này là giải phóng tiềm năng để thu hút đầu tư nhưng cũng phải thiết lập cơ chế, tạo cơ chế môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, ông chia sẻ “cảm nhận Luật chưa đạt được yêu cầu trên”. Ông đề nghị làm rõ nếu dự án luật được thông qua thì từ khi nhà đầu tư xin cấp giấy phép đến khi được triển khi xây dựng cơ sở hạ tầng mất bao nhiêu thời gian? Với những trường hợp, ngành nghề đầu tư không cần có điều kiện thì căn cứ vào đâu mà tổ chức tín dụng cho vay vốn đầu tư?
Bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật giao tới 26 điều cho Chính phủ quy định, ông phát biểu: “Đọc xong dự thảo Luật thấy mơ mơ màng màng, vì có tới 26 điều do Chính phủ quy định, tức là phải chờ Chính phủ ra 26 văn bản nữa. Theo kế hoạch là 1/1/2015 luật có hiệu lực nhưng tôi sợ hết năm 2015 có thực hiện được không?”.
Làm rõ danh mục lĩnh vực cấm đầu tư
Về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, dự thảo Luật quy định đó là các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng; các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường; các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định tại dự thảo Luật chưa rõ ràng, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật, do vậy để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo Luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận xét, đọc xong dự thảo Luật mà nhà đầu tư cũng không biết cái gì được làm, cái gì không được làm, lĩnh vực có điều kiện là lĩnh vực nào, ai quy định những điều kiện ấy?.
“Nếu Luật Đầu tư vẫn bắt nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… mới biết họ không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì đã là minh bạch chưa, thực sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư chưa?” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Trả lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đã có trong tay danh mục vài chục ngành nghề cấm đầu tư và khoảng 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời khẳng định thời gian tới sẽ lập đề án để rà soát, đánh giá lại từng ngành nghề này./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)