Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong 3 năm 2016-2018 đều chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 đạt mức 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây và khả năng năm 2018 này tăng trưởng kinh tế sẽ vượt mức chỉ tiêu cao nhất của năm là 6,7% mà Quốc hội giao. Với tốc độ này, nền kinh tế Việt Nam đang đứng vào hàng ngũ các nước phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ trong chưa tới 3 năm mà quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 1,3 lần. GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ. Kinh tế phát triển nên đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.
Việc phát triển kinh tế của nước ta trong 3 năm qua không chỉ nhanh mà chất lượng tăng trưởng đã được nâng lên, dần hướng tới tính bền vững, thể hiện ở các số liệu thống kê khách quan, khoa học. Nếu như trước đây, tăng trưởng của nền kinh tế của chúng ta dựa khá nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới dạng xuất khẩu thô là chính thì trong giai đoạn vừa qua, tăng trưởng kinh tế đã dần dựa vào việc khai thác tài nguyên con người, khơi dậy được những tiềm năng của đất nước. Đây chính là thành quả bước đầu của chủ trương đúng đắn, quan điểm đổi mới trong chiến lược phát triển kinh tế và việc điều hành quyết liệt trong thời gian qua. Việc coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh... là những làn gió mát lành, tạo ra một không khí phấn khởi đầu tư trên khắp cả nước, thu hút số vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục. Tài lực, trí lực, những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đang có xu hướng chọn Việt Nam là điểm đến.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạc quan thái quá mà quên đi rằng, nước ta vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế: Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; năng suất lao động còn thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017; còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; ...Cùng với đó, nền kinh tế, chính trị trên thế giới cũng đang có những vận động phức tạp. Trong lúc chúng ta đang đẩy mạnh cải cách thì các nước cũng đẩy mạnh cải cách để giành nguồn lực. Cuộc đua phát triển kinh tế trên bình diện toàn cầu hiện nay là cuộc đua mà nếu các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển muốn có được phần thắng thì phải thường xuyên đổi mới, cải cách, với một tư duy nhạy bén và hành động nhanh, quyết liệt hơn.
Những thành quả của kinh tế-xã hội 3 năm qua đã giúp củng cố vững chắc niềm tin và khích lệ cả nước ta cùng nỗ lực hành động hơn nữa để nhanh chóng đưa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, các giải pháp điều hành của Chính phủ, chính sách, pháp luật vào đời sống, để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)