Thảo luận về quy định liên quan kết hôn đồng giới
EmailPrintAa
08:42 11/09/2013

Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi bỏ quy định cấm, song khẳng định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới.

Tiếp tục phiên làm việc, chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình.

Nhìn chung, các ý kiến đánh giá dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, nêu được nhiều vấn đề trong thực tiễn cần pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc một số quy định để phù hợp với cuộc sống.

Về kết hôn giữa những người cùng giới tính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Dự thảo Luật bỏ quy định cấm, đồng thời cũng khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, trong cơ quan thẩm tra hiện có hai loại ý kiến: Đồng ý với dự thảo và đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành. 

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban tán thành với ý kiến thống nhất với quy định như dự thảo Luật, vì hiện nay, quan niệm và nhận thức của xã hội về vấn đề đồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. 

Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người này và để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế thì cần phải có quy định pháp luật để điều chỉnh. 

Thường trực Ủy ban cho rằng, thời điểm này trong xã hội vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần tổng kết việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, tiến hành khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với quy định trong dự thảo.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, quan hệ giữa những người cùng giới tính là một thực tiễn. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp nên cần cần xử lý vấn đề một cách hết sức thực tế và có lộ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng đây là một vấn đề xã hội, cần được coi trọng. Nhưng ở góc độ luật pháp thì cần quy định rõ ràng dựa trên tổng kết, căn cứ rõ ràng và khảo sát thực tiễn. Ông Phan Trung Lý nêu quan điểm nên công nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Phát biểu về nội dung này, Phó Chánh án TAND Tối cao, ông Tưởng Duy Lượng đồng ý với quy định như trong dự thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. 

Theo ông Lượng, vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính liên quan đến quyền con người nhưng quy định cần có bước quá độ để phù hợp với nhận thức chung của số đông, của phong tục tập quán, để người dân đồng tình và cũng là tạo thuận lợi cho những người này./.


    Ý kiến bạn đọc