Thế giới 7 ngày: "Quả bom" Syria được tháo ngòi
EmailPrintAa
09:34 16/09/2013

Dư luận quốc tế coi đây là “một bước tiến quan trọng, mở ra một giai đoạn mới đối với tình hình Syria”.

Sau 3 ngày đàm phán (từ 13- 15/9) tại Geneva (Thụy Sĩ), Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua tại Syria mà không cần đến một cuộc tấn công quân sự.

Tại cuộc đàm phán này, Ngoại trưởng Nga, Mỹ và Đặc phái viên chung về Syria của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi đã có các cuộc thảo luận về kế hoạch tiêu hủy các kho vũ khí hóa học ở Syria và việc tổ chức một hội nghị hòa bình.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, hội nghị Geneva 2 là sự lựa chọn sáng suốt cho cả các bên xung đột ở Syria và các nước lớn cần phải đặc biệt quan tâm để tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ như chiến tranh Iraq, Kosovo…

Các thanh sát viên LHQ thu thập mẫu vật ở Ain Terma gần Damasus (Ảnh: AP)

Mấu chốt để tháo ngòi nổ cho cuộc tấn công quân sự vào Syria chính là đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

Một bước tiến quan trọng nữa trong quá trình tìm giải pháp cho Syria đó là việc Tổng thống al-Assad đã ký sắc lệnh tuyên bố Syria tham gia Công ước cấm vũ khí hóa học. Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc ngày 14/9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.

Theo kết quả đạt được sau đàm phán Nga, Mỹ, trong vòng một tuần, Syria phải đưa ra danh sách các kho dự trữ vũ khí hóa học và các thanh sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Syria vào tháng 11 tới. Danh sách này sẽ phải nêu cụ thể tên, loại và chất lượng các vũ khí hóa học, địa điểm và hình thức lưu giữ, các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển.

Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Ria Novosti)

Tháo được ngòi nổ cho cuộc tấn công Syria có thể xem là thắng lợi của Tổng thống Nga Putin nói riêng và nước Nga nói chung. Đề xuất của Nga về Syria đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và cũng là một giải pháp được xem là giúp Tổng thống Mỹ Obama "giữ thể diện" khi ông Obama không nhận được nhiều sự đồng tình của người dân Mỹ cũng như các đồng minh truyền thống.

Đây cũng được coi là một thắng lợi ngoại giao của Nga khi Mỹ đã từ bỏ lập trường cho rằng nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria phải được hậu thuẫn bằng giải pháp quân sự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Washington có sử dụng quân sự hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức Syria thực hiện việc giải giáp vũ khí hóa học trong thời gian tới.

Phe đối lập Campuchia vẫn chưa thôi biểu tình (Ảnh: Reuters)

Tình hình chính trị tại Campuchia vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khi phe đối lập tiếp tục tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử Quốc hội khóa V vừa qua. Sáng 15/9, Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập tiếp tục phát động một cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Phnom Penh nhằm gây sức ép lên các cơ quan chức năng, đòi thành lập một ủy ban điều tra độc lập về kết quả bầu cử.

Trước đó, sau khi trở về từ Trung Quốc sau đợt chữa bệnh, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại cuộc họp với đại điện cấp cao đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) và đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) sáng 14/9, đã kêu gọi hai đảng cần phải hợp tác với nhau vì quyền lợi tối thượng của đất nước. 

Diễn biến chính trị tại Campuchia cho thấy vẫn còn nhiều bất ổn trong thời gian tới. Ngày 13/9 vừa qua, cơ quan chức năng Campuchia đã phát hiện và vô hiệu hóa ít nhất 4 khối vật liệu nổ và bom tự chế ở thủ đô Phnom Penh.

Quân đội Chính phủ đã được triển khai để ổn định tình hình ở Zamboanga (Ảnh: Reuters)

Ngày 14/9, giao tranh tiếp tục nổ ra giữa lực lượng chính phủ Philippines và tổ chức có tên Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MNLF) ở miền Nam nước này, bất chấp việc hai bên đã đồng ý ngừng bắn.

Các quan chức Philippines cho biết, lực lượng quân đội đang nỗ lực giành lại các ngôi làng ở gần thành phố cảng Zamboanga, nơi Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đang bắt giữ hơn 100 con tin. Hơn 50 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Trước đó, ngày 10/9, giao tranh tiếp tục nổ ra giữa lực lượng an ninh Philippines và các tay súng phiến quân Hồi giáo ở thành phố Zamboanga, miền Nam Philippines.

Các nhân chứng cho biết, có nhiều ngôi nhà bị đốt phá và lực lượng cứu hỏa đã được huy động để kiểm soát các đám cháy.

Ngày 9/9, hàng trăm tay súng Hồi giáo đã đổ bộ vào các huyện ven biển của Zamboanga, bắt giữ khoảng 30 con tin, giành quyền kiểm soát 5 huyện của thành phố này và lên kế hoạch tiến vào trung tâm thành phố để cắm cờ, đòi độc lập.

Lũ phá hủy nhiều hệ thống giao thông của Colorado (Ảnh: AP)

Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 172 người mất tích trong trận lũ lụt nghiêm trọng xảy ra 14/9 tại bang Colorado, Mỹ.

Lũ lụt bắt đầu từ ngày 11/9 vừa qua do ảnh hưởng của những trận mưa lớn liên tiếp tại đây. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ, mưa lớn sẽ vẫn còn tiếp tục đến hết ngày 15/9 tại Cororado.

Đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất tại bang Colorado kể từ sau trận lũ quét tại đây vào năm 1976 làm gần 150 người thiệt mạng.

Những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo tiếp tục xuống đường biểu tình (Ảnh: AP)

Bất chấp việc không đạt được mục tiêu biểu tình triệu người trong ngày thứ Sáu "Trung thành với máu của những người tử vì đạo", ngày 14/9, Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập tiếp tục phát động các cuộc biểu tình mới chống Chính quyền, nhằm kỷ niệm 1 tháng ngày lực lượng an ninh Ai Cập tiến hành giải tán hai trại biểu tình của phe ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Morsi khiến hàng ngàn người chết và bị thương.

Tuy nhiên, cũng như phần lớn các chiến dịch biểu tình trước đó, các cuộc biểu tình ngày 14/9 tiếp tục bị đánh giá là thất bại thê thảm khi không thể lôi kéo được nhiều người tham gia.

Trước đó, ngày 12/9, Chính quyền lâm thời Ai Cập đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ nước này thêm 2 tháng nữa. Theo đó, tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng được ban bố ngày 14/8 vừa qua, sẽ tiếp tục có hiệu lực thêm 2 tháng nữa, bắt đầu từ 16h00 ngày 12/9.

Tân Thủ tướng Australia có đáp ứng được mong mỏi của người dân nước này (Ảnh: AFP)

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 7/9 tại Australia, Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập do ông Tony Abbott dẫn đầu đã giành chiến thắng trước Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Kevin Rudd.

Chiến thắng này đã khép lại 6 năm cầm quyền của Công đảng, đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới với không ít thách thức cho tân Thủ tướng Tony Abbott và Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập của ông.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ông Abbott có đáp ứng được nguyện vọng của cử tri là một làn gió mới thổi vào chính trường và xã hội Australia sau 6 năm cầm quyền liên tục của Công đảng? Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cử tri Australia đặt rất nhiều sự kỳ vọng vào tân Thủ tướng và ban lãnh đạo sắp tới.

Lễ duyệt binh trên Quảng trường Kim Nhật Thành 

Ngày 9/9, Triều Tiên đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn nhân kỷ niệm 65 thành lập nước, với hàng trăm nghìn binh sĩ và người dân tham gia diễu hành

Đây là cuộc duyệt binh lớn thứ hai của Triều Tiên trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, không giống hoạt động trước đó vào ngày 27/7 nhân kỷ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh liên Triều, cuộc duyệt binh lần này không phô diễn nhiều thiết bị quân sự hay tên lửa tầm xa.


    Ý kiến bạn đọc