Thí điểm nhất thể hóa bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã, huyện: Nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng không ít khó khăn
EmailPrintAa
16:44 11/05/2018

Từ năm 2009 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thí điểm nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ninh mới đây, chúng tôi được nghe người dân chia sẻ, đánh giá cao về những chuyển biến trong trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường và cán bộ tại trung tâm hành chính công. Bà Nguyễn Thị Mậu, khu 2, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long nói như khoe: “Đồng chí bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND phường Bãi Cháy “nhà tôi” quả đúng nghĩa là “ông công bộc”. Đồng chí luôn gần dân, sát dân và khi người dân có khó khăn, vướng mắc, đồng chí đều chỉ đạo giải quyết kịp thời, thỏa đáng”.

Nhiều người dân phân tích, cho rằng chính chủ trương nhất thể hóa chức danh (NTHCD) bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, phường và cấp huyện tác đã động tích cực đến trách nhiệm của cán bộ cùng cấp. Đó chính là nguyên nhân tạo ra một đội ngũ cán bộ địa phương khác hẳn so với trước, nhất là về phương pháp, tác phong, thái độ công tác.

Cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa chủ động nghiên cứu, giải quyết chính sách đối với người có công.  Ảnh: QUANG TRINH

Tương tự, tại huyện Châu Phú (An Giang), người dân bày tỏ sự đồng thuận cao, ủng hộ chủ trương thực hiện mô hình NTHCD ở cấp xã, huyện. Vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 địa phương này tiến hành khảo sát ý kiến của nhân dân và cán bộ toàn huyện đánh giá về việc thực hiện mô hình NTHCD bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã, huyện. Kết quả, có hơn 97% ý kiến bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao việc NTHCD cùng việc tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức Trung ương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, các tỉnh ủy, thành ủy đã triển khai thực hiện nghiêm túc và được đạt một số kết quả, kinh nghiệm bước đầu trong việc NTHCD cấp xã, huyện. Giai đoạn 2010-2015, đã có 805 đồng chí bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; 75 đồng chí bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện. Ở thời điểm hiện tại, có 439 đồng chí kiêm nhiệm hai chức danh cấp xã, phường, thị trấn; 50 đồng chí kiêm nhiệm hai chức danh cấp huyện. Mô hình đã góp phần tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND; do đó, các nhiệm vụ của địa phương được triển khai nhanh, đồng bộ, kịp thời. Mô hình cũng góp phần quan trọng làm cho bộ máy gọn nhẹ, tinh giản, tiết kiệm ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính; giúp cán bộ có điều kiện rèn luyện, phấn đấu và nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy, tính quyết đoán và tự chịu trách nhiệm trước tập thể. Đặc biệt, mô hình còn tạo ra môi trường làm việc nghiêm túc, trách nhiệm; thuận lợi trong thẩm định, đánh giá cán bộ thông qua kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy: Một số nơi thực hiện thí điểm mô hình chưa kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; một số cán bộ còn lúng túng, chưa phân rõ khi nào ở “vai bí thư”, khi nào ở “vai chủ tịch”. Các cấp chưa hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu nên dễ dẫn đến tiêu cực, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Một số nơi không có phương án bố trí, điều động công tác hợp lý đối với đồng chí bí thư và chủ tịch UBND đương nhiệm...

Thực tế hiện nay, khi tổ chức bộ máy hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả thì việc thực hiện mô hình NTHCD lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện là bước đi phù hợp, được nhân dân ủng hộ. Trên cơ sở những kết quả đạt được và những điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm nắm bắt, chấn chỉnh kịp thời những nơi triển khai chủ trương, mô hình này theo kiểu nửa vời, đối phó, nghe ngóng thụ động... Cùng với đó, cần mở rộng thực hiện theo kiểu lựa chọn thí điểm ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, cả ở khu vực thành phố, nông thôn, miền núi, vùng biển, hải đảo... để có đánh giá toàn diện, chính xác hơn về tính khả thi của mô hình.

Để chủ trương, mô hình đạt hiệu quả, các cấp ủy đảng phải làm tốt công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ phải có phẩm chất chính trị tốt, năng lực chuyên môn giỏi, cán bộ phải vì dân, gần dân, dựa vào dân để có thể “cáng đáng hai vai” khi được giao nhiệm vụ. Các cấp phải xây dựng được hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, tránh biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Nguồn: Nguyễn Ngân/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc