Quốc hội biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Giám sát quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; và “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Cụ thể, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 452 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,50% tổng số đại biểu Quốc hội) thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chuyên đề giám sát này nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội , hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 22/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023; tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội…
Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn.
Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát này được 469 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chuyên đề giám sát này nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong các trường hợp tương tự; các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù triển khai các dự án quan trọng quốc gia, đồng thời đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết 43/2023/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.
Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1) từ khi ban hành Nghị quyết đến ngày 31/12/2023 theo từng dự án cụ thể...
Không yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị tại các tỉnh, thành phố mà Đoàn giám sát của Quốc hội dự kiến tiến hành giám sát trực tiếp thì Đoàn đại biểu Quốc hội không tổ chức giám sát mà cử đại diện tham gia Đoàn giám sát.
Đối với các tỉnh, thành phố khác thì Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả về Đoàn giám sát của Quốc hội.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, từ kinh nghiệm triển khai các chuyên đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, để tạo điều kiện cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc của các địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch giám sát của mình.
Đồng thời, để tránh chồng chéo, giảm tải cho các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất, tùy theo tính chất từng chuyên đề, các địa phương sẽ không tổ chức giám sát song song với Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, dự thảo Nghị quyết thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề này không yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát.
Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5
Kết quả biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 90,28%.
Theo chương trình được thông qua, chiều 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết về việc thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; đồng thời thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Tiếp đó, ngày 23/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); đồng thời thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Quốc hội làm việc ngày cuối cùng vào ngày 24/6, tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; đồng thời Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Cũng trong ngày 24/6, Quốc hội sẽ họp riêng để bàn về công tác nhân sự. Trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên bế mạc.
Trước khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó quy định về: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Nguồn: TRUNG HƯNG/nhandan.vn
Tin mới cập nhật
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)
- Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng ( 07/11)
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả ( 05/11)
- Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan ( 04/11)