Thông qua Nghị quyết hướng dẫn việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
EmailPrintAa
08:00 17/01/2013

Từ năm 2013, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, trong đó cả những nhân sự cấp cao ở Trung ương sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm.

Sáng 16/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Đây là dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 13 (tháng 12 năm 2012).

Qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH đều thống nhất với quy định hướng dẫn trong Nghị quyết. Theo đó, trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có hơn 1/2 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó, hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo (trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận).

Trường hợp người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm có hơn 1/2 tổng số đại biểu bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức tại kỳ họp đó, hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, việc lấy phiếu tín nhiệm ở địa phương đang thí điểm không tổ chức HĐND, Nghị quyết nêu rõ: Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất trên cơ sở xem xét kết quả đảm nhiệm cả các chức vụ khác do Quốc hội, HĐND đã bầu hoặc phê chuẩn.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đối với người đồng thời giữ hai chức vụ, chỉ lấy phiếu tín nhiệm ở chức vụ cao nhất, chứ không lấy phiếu tín nhiệm hai lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị, cần làm rõ cách thức xác định chức vụ cao nhất của những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn nữa về trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng cụ thể hóa các chỉ tiêu, nội dung giải trình, báo cáo liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cần được tiến hành hết sức thận trọng, chặt chẽ vì nó liên quan mật thiết đến sinh mạng chính trị của cán bộ. Song, ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, không cần quy định quá phức tạp hơn cả bầu cử Quốc hội.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan chức năng của Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý lại một số nội dung của dự thảo Nghị quyết trên cơ sở những ý kiến góp ý của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp với tinh thần hết sức khẩn trương. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ban soạn thảo cần chú ý quy định chi tiết về quy trình hướng dẫn từ chức; thay thế cán bộ trong trường hợp tín nhiệm thấp.

Nghị quyết hướng dẫn này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2013./. 


    Ý kiến bạn đọc