Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về giảm biên chế "cắp ô đi về"
EmailPrintAa
11:23 27/02/2014

Phải là trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, chứ không chỉ đơn giản là bỏ phiếu, giơ tay”.

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Nghị định tinh giản biên chế trong 6 năm tới (2014-2020). Theo đó, Bộ Nội vụ  đề xuất, trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế trên cả nước. Đề xuất này của Bộ gây sự chú ý trong dư luận, đặc biệt nhiều người quan tâm đến tính khả thi của đề xuất, liệu việc tinh giản này có thực sự đào thải những công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, trong quá trình tinh giản có tránh được việc tiêu cực?

VOV online phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh về những vấn đề dư luận quan tâm trong đề xuất tinh giản biên chế lần này.

Không cứng nhắc con số 100.000

PV: Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, trong vòng 6 năm sẽ tinh giản 100.000 biên chế, vậy cơ sở nào để Bộ đưa ra con số này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc đưa ra dự thảo lần này là tiếp nối của Nghị định 16 và Nghị định 132 của Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế. Mục tiêu của dự thảo lần là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Mục tiêu để những người chưa đến tuổi về hưu có thể về hưu trước tuổi, hoặc những người làm việc không đảm bảo chất lượng thì cũng về trước tuổi.
Qua kinh nghiệm của Nghị định 16 và Nghị định 32, Bộ dự kiến lần này sẽ tinh giản khoảng 100.000 cán bộ công chức. Trong quá trình thực hiện có thể hơn, hoặc kém con số 100.000, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng của đội ngũ công chức, để phục vụ các cơ quan hành chính Nhà nước.

Để định vị lại được, phải xác định cơ cấu việc làm và cơ cấu công chức. Theo đó, từng cơ quan, theo chức năng nhiệm vụ của mình phải xác định cần bao nhiêu cán bộ công chức và cơ cấu như thế nào để đảm bảo nhiệm vụ được giao. Nếu không thì cứ nói là tinh giản, nhưng lại không đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.

PV: Theo ông, nhiều ý kiến cũng băn khoăn làm thế nào để việc tinh giản được hiệu quả, giảm được lượng công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Nếu nói về con số mà các Bộ ngành báo cáo lên, chính thức con số mà Bộ trưởng Nội vụ đã công bố tại Quốc hội, con số này xấp xỉ 1%.

Bộ Nội vụ cũng đã có hướng dẫn theo phân loại công chức, các Bộ, ngành, địa phương phải đánh giá theo tinh thần đó. Nếu những đơn vị đánh giá không đúng, phải đánh giá lại.

PV: Thưa ông, liệu báo cáo của Bộ có mâu thuẫn với con số 30%, thậm chí có tới 40% cán bộ công chức không làm được việc như nhiều vị lãnh đạo đưa ra tại các cuộc họp?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Con số 30-40% chỉ là theo đánh giá từng cá nhân, còn đúng là theo đánh giá của các Bộ, ngành mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo trước Quốc hội.

Người đứng đầu phải có trách nhiệm

PV: Thưa ông, nhiều người cũng lo ngại sẽ khó để tinh giản đội ngũ có chức có quyền, “con ông cháu cha” không làm được việc. Vậy Bộ có giải pháp như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng tôi sẽ thực hiện theo Luật Cán bộ Công chức và gần đây Bộ Nội vụ đã có công văn tới các tỉnh, thành và các địa phương để đánh giá cán bộ. Trước hết, phải là trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, chứ không chỉ đơn giản là bỏ phiếu, giơ tay.

Người đứng đầu sẽ giao nhiệm vụ cho từng cán bộ công chức. Cán bộ công chức đó hoàn thành công việc được giao đến đâu thì người đứng đầu phải có trách nhiệm đánh giá việc đó.

PV: Vậy thưa ông, cơ chế nào để giám sát việc người đứng đầu có đánh giá công chức một cách khách quan, trung thực?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi cho rằng, nếu thành nếp thì không có gì đáng ngại. Bởi quy trách nhiệm người đứng đầu và cấp trên của họ sẽ đánh giá người đứng đầu từng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Chẳng hạn, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành đánh giá người đứng đầu ở các Sở, ban ngành. Nếu đánh giá thẳng thừng thì trong nội bộ của các Sở, ban, ngành đó cũng phải đánh giá một cách nghiêm túc.

Có thể năm đầu tiên việc đánh giá chưa quen, nhưng lần sau sẽ quen và trách nhiệm của người đứng đầu phải đánh giá đúng chất lượng công chức của mình. Từ đó, đánh giá thực chất công việc được giao trong từng đơn vị.

PV: Thưa Thứ trưởng, đây không phải lần đầu tiên Bộ Nội vụ đề xuất việc tinh giản biên chế. Một thực tế là đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế lại tăng thêm tới 20%. Vậy lần này, Bộ có lộ trình như thế nào để sau khi tinh giản, lượng biên chế không bị phình ra như những lần tinh giản trước?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi cho rằng việc dự kiến 100.000 cũng chỉ là số lượng dự kiến. Nhưng điều quan trọng là phải xác định được trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Phải rà soát lại nhiệm vụ của từng cơ quan, để xác định lại định biên của các cơ quan đó cần bao nhiêu. Đó là cốt lõi vấn đề.

Hiện nay, trong công tác quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý từ Trung ương cho tới các tỉnh, thành đến các địa phương đảm đương rất nhiều công việc. Cho nên họ đều yêu cầu phải có biên chế để đáp ứng nhiệm vụ. Phải rà soát lại, xem các cơ quan đó trong công tác quản lý Nhà nước làm được gì, còn nhiệm vụ nào không nên làm, hoặc làm không hiệu quả thì chuyển giao cho các tổ chức xã hội. Khi đó, chắc chắc biên chế sẽ giảm đi.

Hiện nay, Bộ tập hợp các đề nghị của các địa phương thì không có nơi nào đề nghị là tăng biên chế. Theo tôi, sắp tới phải tập trung việc rà soát lại.

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay có một số cơ quan đã thực hiện việc thi tuyển lãnh đạo qua thi tuyển. Mới đây nhất là việc Bộ GT-VT thi tuyển Tổng Cục trưởng. Ông đánh giá như thế nào về cách thức tuyển dụng này?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Đây cũng là chủ trương của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Tôi cho rằng đây là một hình thức khá tốt, đáp ứng yêu cầu khách quan, minh  bạch.

Ngoài Bộ Giao thông Vận tải thì các tỉnh như Quảng Ninh, Nam Định và một số nơi cũng đã thi tuyển cấp Phó, cấp Trưởng của Sở. Vấn đề đặt ra là những nơi này phải đưa ra được các tiêu chí để làm sao tuyển được người đáp ứng yêu cầu, vừa đảm bảo việc thi tuyển được công khai, minh bạch.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.


    Ý kiến bạn đọc