Thủ tướng: Không để bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến niềm tin của dân
EmailPrintAa
15:53 02/07/2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:"không để tình trạng bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước, đến niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau".

Sáng 2/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Tham dự Hội nghị còn có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, có 18 vấn đề trọng tâm cần tập trung thảo luận, trong đó có vấn đề kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc…

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng cho rằng, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực và chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP nửa năm tăng 7,08%. Cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý: "Ngân hàng thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát giữ được 4%. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nhận định của một định chế tài chính lớn phân tích khách quan, nhưng ta có làm được điều đó không chính là do chúng ta. Quyết tâm của chúng ta, quyết liệt, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo điều hành. Nếu chùn bước không làm được gì thì không bao giờ đạt được con số mà họ đã nhận định. Tôi nói điều này để từng ngành, địa phương phải làm gì để đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của đất nước".

Trong nửa đầu năm còn có những con số tích cực khác mà Thủ tướng nêu lên, như tổng vốn đầu tư toàn xã hội nửa đầu năm tăng trên 10%, đạt gần 33% GDP. FDI tiếp tục tăng gần 6%. Thu ngân sách tăng trên 14%. Xuất khẩu tăng 16%, xuất siêu trên 2,71 tỷ USD. Kinh tế đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có việc ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nửa đầu năm có 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn với số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn là 52,5%, đánh giá ổn định là 36%, chỉ có 11% đánh giá khó khăn.

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ thiếu đói nửa năm giảm gần 40%, tỷ lệ thất nghiệp thấp, khoảng 2,2%. Cả nước đã cấp miễn phí được gần 52 triệu thẻ BHYT.

Thủ tướng cũng dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu dư luận xã hội nhận định, đa số người dân ghi nhận sự chuyển biến tích cực về đối ngoại, hợp tác quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta. Đặc biệt có 91% ý kiến người dân tin tưởng ủng hộ nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Cho rằng đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cộng đồng cả nước, Thủ tướng nêu rõ: "Đây là thành quả rất quan trọng chúng ta cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, lăn xả vào công việc của nhiều cán bộ, đảng viên. Có nhiều vụ kỷ luật, có nhiều vụ án xảy ra, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội đất nước. Đó là tình hình phổ biến trong các bộ, ngành, địa phương. Còn anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha trận mạc để làm ra sản phẩm và hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đây là vấn đề phải suy nghĩ".

Về các thách thức đặt ra thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, thiên tai đang rình rập ở nhiều tỉnh, thành, vùng miền, nên cần có giải pháp tốt hơn nữa trong phòng chống thiên tai.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018

Bên cạnh đó, gần đây nổi lên tình hình mất an ninh trật tự, đặc biệt là vụ việc ở Bình Thuận, là bài học kinh nghiệm chung cho nhiều địa phương trong việc giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội và đảm bảo đời sống bình yên cho nhân dân, để đất nước phát triển đúng hướng. Nhấn mạnh an ninh trật tự là vấn đề quan trọng, điều kiện tiên quyết để tạo môi trường đầu tư ổn định, phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chức năng không được để kẻ xấu, phản động, kích động nhân dân.

Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề xã hội bức xúc như an toàn giao thông, an toàn xã hội, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học, bệnh viện, tham nhũng lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ…

"Chúng ta không để tình trạng bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, đến niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Lòng dân cần phải được quan tâm, cần quan tâm lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết của mọi cấp, mọi ngành trong đối thoại, xử lý công việc. Nhưng chúng ta phải lập lại kỷ cương phép nước. Dân chủ nhưng phải tập trung, dân chủ với số đông, với nhân dân, nhưng phải kiên quyết xử lý kẻ xấu cầm đầu chống đối chế độ chúng ta", Thủ tướng nêu rõ.

Về các sức ép đối với kinh tế xã hội những tháng cuối năm, cho biết tháng 6, CPI tăng 0,61%, cao nhất cùng kỳ 7 năm qua, Thủ tướng lưu ý về sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu lạm phát cả năm không quá 4%. Các nhóm hàng tác động mạnh là xăng dầu, giao thông, vật liệu xây dựng. Do đó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương đều phải thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Giá dịch vụ y tế, giá điện chỉ tăng khi đủ điều kiện cho phép.

Thủ tướng cũng nêu thực tế tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công chậm, dù nhiều cố gắng nhưng chỉ đạt 33% kế hoạch.

Để hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch nhà nước năm nay, Thủ tướng cho biết, cần phấn đấu để quý 3 phải tăng trưởng 6,53%, quý 4 phải đạt 6,36%. Đây cũng là sức ép trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, FED tăng lãi suất và chiến tranh thương mại có thể xảy ra.

Dù môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều tiến bộ, nhưng Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nhiều rào rản trong phát triển, nhất là gần đây, theo nhận định của một số Viện nghiên cứu, có sự chững lại của môi trường đầu tư kinh doanh. Số thủ tục hành chính mà các bộ tuyên bố cắt giảm là 50%, nhưng thực chất cắt còn hạn chế./.

Nguồn: Vũ Dũng/vov .vn


    Ý kiến bạn đọc