Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xây dựng luật, pháp lệnh cần bảo đảm tính khả thi, xác định rõ phạm vi, đối tượng
EmailPrintAa
14:39 21/03/2012

Trong hai ngày 19 và 20-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Cùng dự, có các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; đại diện Ủy ban Pháp luật của QH, Văn phòng QH.
Thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII; việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII và năm 2012, các thành viên chính phủ cho rằng, công tác xây dựng luật và pháp lệnh thời gian qua có nhiều tiến bộ và mang lại kết quả khả quan, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh để trình QH, Ủy ban Thường vụ QH đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của Chính phủ. Từ năm 2007 đến 2011, Chính phủ đã trình QH, Ủy ban Thường vụ QH thông qua 75 dự án trên tổng số 89 dự án luật, pháp lệnh mà QH, Ủy ban Thường vụ QH đã thông qua. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật sự khoa học; chương trình còn dàn trải, tính khả thi chưa cao. Mức độ hoàn thành chương trình cả nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII chỉ đạt 56,3% dự án mà Chính phủ phải trình theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa XII.
Các thành viên Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực cần thiết cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ; đưa ra các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ trình QH, Ủy ban Thường vụ QH.
Nội dung quan trọng được các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trồng lúa và việc sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân... 
Phát biểu ý kiến kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hạn chế lớn nhất trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua là việc hoàn thiện thể chế, cho nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, chưa huy động cao nhất tiềm năng trong nước và ngoài nước cho sự phát triển, cho sự nghiệp CNH, HÐH của đất nước. Do vậy, trong thời gian tới, phải coi hoàn thiện thể chế là khâu đột phá trong công tác xây dựng pháp luật. Ðối với công tác xây dựng luật, pháp lệnh, cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh. Trước khi đưa ra dự thảo luật phải bảo đảm tính khả thi, phải xác định phạm vi, đối tượng trong xây dựng luật. Ðối với các dự án sửa đổi, bổ sung luật, phải xây dựng theo hướng một luật sửa nhiều luật; luật phải có tính dự báo cao, tránh tình trạng luật chưa ban hành đã lạc hậu.
Về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2007/NÐ-CP quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, liên quan tổ chức bộ máy Nhà nước. Do vậy, việc điều chỉnh cần có bước đi phù hợp, không để xáo trộn hoạt động tại các bộ, ngành.  Ðối với việc thành lập các Tổng cục, Thủ tướng đề nghị các bộ cần căn cứ nhu cầu thực tế theo tinh thần thu gọn đầu mối quản lý Nhà nước và phải xây dựng đề án trình Chính phủ, Thủ tướng xét duyệt.
Về dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc lấy đất lúa chuyển sang mục đích khác, phải được Thủ tướng xem xét, quyết định, không phân biệt diện tích đất chuyển đổi mục đích, với mục tiêu quyết tâm giữ vững 3,2 triệu ha đất lúa hai vụ. Về chính sách hỗ trợ đối với người trồng lúa, ngoài hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, cần ưu tiên hỗ trợ thông qua đầu tư hạ tầng nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng lúa. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý đất lúa và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ðề cập việc gia hạn sử dụng đất nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Ðất đai sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định về giao quyền sử dụng đất nông nghiệp theo hướng giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho nông dân. Dự kiến, Luật Ðất đai sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành trong năm 2014. Do vậy, từ nay đến khi luật nói trên ban hành, người đang được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục được thực hiện đầy đủ các quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. 
Ðối với những Dự án Luật, Pháp lệnh được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị Ban Soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.

    Ý kiến bạn đọc