Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Tĩnh đưa ra định hướng đúng trong phát triển thời gian tới
EmailPrintAa
16:31 04/03/2020

Sáng 4/3, tại trụ sở Chính phủ (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về tình hình KT-XH, QP-AN thời gian qua và định hướng thời gian tới của địa phương.

Dự buổi làm việc, về phía Trung ương có: Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có: Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Dương Tất Thắng, Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lựa chọn quan điểm phát triển “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình KT-XH, QP-AN thời gian qua của Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cho biết, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, kế thừa kết quả đạt được các nhiệm kỳ trước, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được kết quả khá toàn diện.

Kinh tế phục hồi sau sự cố môi trường, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và chuyển dịch đúng hướng. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, QP-AN được tăng cường, giữ vững an ninh trật tự.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng báo cáo tại buổi làm việc

Kế thừa những kết quả đạt được, Hà Tĩnh đặt mục tiêu thời kỳ 2021 - 2030 xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội và đảm bảo QP-AN; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người nằm trong 20 tỉnh hàng đầu cả nước.

Dự làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành.

Hà Tĩnh lựa chọn quan điểm phát triển “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2025 đạt 10 - 11% và thời kỳ 2026 - 2030 đạt trên 8,5%. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 110 - 120 triệu đồng, đến năm 2030 là 190 triệu đồng.

Đề nghị cho dừng (kết thúc) dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ những khó khăn, hệ lụy trong quá trình triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét báo cáo Bộ Chính trị cho dừng (kết thúc) dự án; chỉ đạo giải quyết tồn đọng, khôi phục phát triển kinh tế khu vực, bảo đảm đời sống ổn định cho nhân dân vùng ảnh hưởng; đồng thời, cho rà soát, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án phát triển bền vững các xã chịu ảnh hưởng của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và hỗ trợ kinh phí đầu tư công trình cấp bách thuộc Đề án.

... và lãnh đạo sở, ngành địa phương.

“Hà Tĩnh cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, triển khai các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế địa phương; hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm đóng vai trò thúc đẩy liên kết phát triển vùng; xem xét cho chủ trương phê duyệt Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa” - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị.

Đồng tình cao với định hướng phát triển của Hà Tĩnh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thời gian tới, Hà Tĩnh phải tìm động lực tăng trưởng mới. Làm sao để khai thác các lợi thế về cảng biển, phát triển công nghiệp, chế biến hậu thép. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều đồng tình, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của Hà Tĩnh thời gian qua cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu cho rằng, với những tiềm năng, lợi thế về văn hóa, các di tích lịch sử, hệ thống cảng biển… thì việc lựa chọn quan điểm phát triển “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” của Hà Tĩnh là đúng đắn và có cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà: Việc xem xét kiến nghị cho dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê cần phải được cân nhắc trên cơ sở có đánh giá toàn diện những hệ lụy. Hà Tĩnh cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đảm bảo các bên hiểu đúng và ủng hộ các phương án được lựa chọn liên quan đến dự án.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Những kiến nghị, đề xuất của Hà Tĩnh, các bộ, ngành sẽ có văn bản tham mưu Chính phủ và trả lời, hướng dẫn thực hiện từng nội dung cụ thể cho địa phương.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Hà Tĩnh, các bộ, ngành sẽ có văn bản tham mưu Chính phủ và trả lời, hướng dẫn thực hiện từng nội dung cụ thể cho địa phương.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

“Hà Tĩnh đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, quyết tâm, đồng thời thể hiện tinh thần, khát vọng vươn lên. Điều này, đã được chứng minh qua việc khắc phục sự cố môi trường biển, thiên tai bão lụt… để giành kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua” – Thủ tướng ghi nhận.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Hà Tĩnh trong triển khai xây dựng NTM, đặc biệt có nhiều cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa, đạt kết quả thực chất, bền vững.

Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của địa phương trong phát triển kinh tế như: Kinh tế phát triển chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, GRDP bình quân đầu người chưa cao, tăng trưởng vẫn chủ yếu theo chiều rộng và dựa vào FDI, nguồn lực hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư lớn...

Thủ tướng đồng tình, đánh giá cao những định hướng phát triển thời gian tới của Hà Tĩnh. Thủ tướng cho rằng, để hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, Hà Tĩnh cần tập trung đầu tư phát triển nền kinh tế số, phát huy các lợi thế, khơi dậy ý chí của người Hà Tĩnh. Phát triển công nghiệp nhưng phải đảm bảo môi trường. Tiếp tục đồng bộ sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư; đảm bảo QP-AN.

Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình, ủng hộ cao, đặc biệt là đối với việc dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. “Việc khai thác mỏ sắt hiện đang còn có những khó khăn về mặt kỹ thuật, không an toàn thì không thể khai thác” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí với những đề xuất kiến nghị của tỉnh về đầu tư, phát triển KT-XH, đảm bảo đời sống dân sinh. Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ, Hà Tĩnh cần tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn ODA để thực hiện các công trình, dự án; đề nghị các bộ, ngành tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của tỉnh tham mưu, báo cáo Chính phủ giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.

Nguồn: Thanh Hoài/baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc