Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không để xã hội bức xúc kéo dài"
EmailPrintAa
14:43 03/07/2018

“Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”- Thủ tướng khẳng định.

Ngày 2-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018.

Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư. Tại điểm cầu, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau nửa chặng đường năm 2018, nhất là “nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước”. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong sáu tháng cuối năm.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương không nêu nhiều thành tích mà cái chính là đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương, các vùng; tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác…

Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP sáu tháng tăng 7,08%, cả ba khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ.

“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”, Thủ tướng chia sẻ để các bộ, ngành, địa phương cùng suy nghĩ cần làm gì để đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Cho biết thời gian qua, xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ, “không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước”.

“Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng phát biểu. Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Về các khó khăn, thách thức hiện nay, trước tiên, Thủ tướng chỉ ra ba vấn đề trong lĩnh vực xã hội: thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân, tạo môi trường đầu tư ổn định để đất nước phát triển đúng hướng.

Đối với các vấn đề xã hội bức xúc, Thủ tướng cho biết, thời gian qua có nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trong trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ… “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”- Thủ tướng khẳng định.

Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra, đầu tiên là sức ép lạm phát sáu tháng cuối năm khi mà CPI sáu tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong bảy năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế nửa năm qua, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực KTXH. Đây là kết quả nỗ lực lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương. Mặc dù đạt mức tăng trưởng cao nhất trong tám năm qua, nhưng quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi. Do đó các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực tìm ra động năng cho tăng trưởng cả năm 2018 và năm 2019; phải hành động để đáp ứng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp (DN) cộng đồng quốc tế; tăng trưởng nhưng phải chú trọng chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp luôn bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm sức chống chịu cho nền kinh tế từ thiên tai, các tác động bên ngoài, trong đó các bộ, ngành không để thiếu điện cho đất nước, nhất là ở phía nam. Đối với vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ, bộ, ngành, cơ quan, địa phương nào không giải ngân hết vốn sẽ bị điều chuyển vốn sang công trình khác. Bộ trưởng, tư lệnh ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, Chủ tịch các tập đoàn kinh tế nhà nước phải chịu trách nhiệm về tăng trưởng. Thủ tướng cho rằng, tuy hiện nay chưa có dấu hiệu khủng hoảng thị trường bất động sản, nhưng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng phải theo dõi chặt chẽ, xem xét tín hiệu thị trường để sẵn sàng ứng phó kịp thời. Những gì cản trở người dân bỏ vốn kinh doanh, sức sản xuất thì phải kiên quyết dỡ bỏ.

Thủ tướng cũng chỉ ra bốn vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là chưa tuân thủ đúng quy luật kinh tế thị trường; kỷ cương phép nước không thực hiện nghiêm túc; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân còn tồn tại trong nhiều vấn đề, chủ trương, chính sách. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hủy bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không hợp lý, ngăn chặn việc "đẻ ra" các ĐKKD mới không cần thiết, cản trở người dân, DN. Môi trường kinh doanh Việt Nam phải được cải thiện minh bạch, an toàn, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhờ áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; phải cải cách mạnh mẽ để giải phóng sức sản xuất. Cảnh báo tình trạng sức ì ngày càng lớn trong một bộ phận cán bộ, công chức, hay thực trạng mức độ quyết liệt cải cách thực chất chưa đồng bộ, vần còn "trên nóng dưới lạnh", đùn đẩy trách nhiệm, Thủ tướng yêu cầu không thể để tình trạng “không làm không sao”, thờ ơ với công việc. Về việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ chế một cửa quốc gia còn thấp; phần lớn các thủ tục vừa làm “thủ công”, vừa làm điện tử nên chi phí vẫn còn cao, còn mất thời gian của DN.

Do đó, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy định sửa đổi, cắt giảm các ĐKKD thuộc phạm vi quản lý bộ, ngành mình quản lý trình Chính phủ sớm thông qua. Cần rà soát lại toàn bộ các ĐKKD theo tinh thần của Nghị quyết 19, bãi bỏ những quy định, ĐKKD không hợp lý, nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh, trước mắt đứng vào nhóm ASEAN 4. Phải coi vấn đề tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ chính trị. Phải cải cách hành chính thực chất, mạnh mẽ. Phải đề cập rõ hơn động lực tăng trưởng 2019 - 2020, đó là sức cầu ngày càng cải thiện; niềm tin thị trường, tiêu dùng ngày càng được củng cố; xuất khẩu và đầu tư FDI tiếp tục là yếu tố quan trọng. Đầu tư trong nước tiếp tục tăng trưởng là động lực quan trọng cho phát triển. Vấn đề cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... cũng cần được xem xét trong kế hoạch năm nay và những năm tiếp theo.

Về tình hình an ninh trật tự vừa qua ở một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền phải đi sâu, đi sát, nắm bắt cơ sở, gần dân; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; xử lý mọi vấn đều phải bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, bảo vệ tài sản nhà nước, bảo vệ người dân. Trong xử lý vấn đề khiếu kiện đông người thì phải tăng cường đối thoại, giải quyết với dân, nhất là vấn đề đất đai. Đôn đốc, tăng cường công tác thanh kiểm tra từng vụ việc ở địa phương. Xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm. Thủ tướng đề nghị từng thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương phải đánh giá ngành mình, địa phương mình; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm; coi trọng việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ hàng đầu. Tập trung làm tốt công tác thông tin truyên truyền để dư luận xã hội hiểu, đồng thuận với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáu tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2017; vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 124,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%; giải ngân ước đạt 32,53% dự toán. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.120,9 tỷ đồng, tăng 10,7%; cả nước có 64.531 DN được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số DN và tăng 8,9% về số vốn.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc