Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phòng chống thiên tai phải chủ động, kịp thời hơn để giảm thiểu thiệt hại
EmailPrintAa
15:25 20/06/2019

Sáng 20-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) phối hợp với Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới”. Tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tại Việt Nam, thiên tai năm 2018, không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền trên cả nước với 16/21 hình thái thiên tai, cụ thể: 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Năm 2018, mặc dù thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm nhiều so với trung bình nhiều năm, nhưng cũng đã khiến 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và sạt lở 8,4 triệu m3 đất đá trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão... Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Năm 2018, cả nước đã huy động 362.426 lượt người tham gia phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (riêng lực lượng quân đội 280.609 lượt cán bộ, chiến sĩ, 6.017 lượt phương tiện), xử lý hơn 1.200 vụ, cứu được 1.560 người, 88 phương tiện; kêu gọi và thông báo cho hơn 804.000 lượt phương tiện với 3.680.000 lượt người biết thông tin về bão, ATNĐ; giúp dân chằng chống hơn 265.000 nhà; hỗ trợ sơ tán 137.734 hộ với 681.265 người trong vùng thiên tai đến nơi an toàn.

Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai được Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực; các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ góp phần giúp đồng bào các tỉnh khắc phục nhanh chóng hậu quả thiên tai. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 9.461 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương và huy động 36 triệu USD từ nguồn ODA; hỗ trợ 5.705 tấn gạo cứu đói, 1.234 tấn giống các loại cho người dân các địa phương bị thiên tai phục hồi sản xuất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nếu chúng ta không chủ động PCTT thì thiệt hại sẽ rất lớn. Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến công tác PCTT, củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo về PCTT, ban hành các văn bản pháp luật về PCTT. Công tác PCTT và TKCN đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo ứng phó thiên tai. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã hoạt động hiệu quả, cứu được hàng nghìn người. Vai trò của lực lượng vũ trang đặc biệt là lực lượng quân đội luôn sẵn sàng trong mọi tình huống khi có yêu cầu về ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn xảy ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục thiên tai năm 2018. Đồng thời Thủ tướng cũng nghiêm khắc phê bình một số bộ, ngành, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra hàng loạt những bất cập, hạn chế: Năm 2018 thiên tai không nhiều như 2017 nhưng gây thiệt hại về người và vật chất không hề nhỏ. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù có nhiều tiến bộ những vẫn còn bất cập, chưa theo được diễn biến của thiên tai. Việc phòng ngừa thiên tai trong quy hoạch, xây dựng các công trình   trong đó có công trình giao thông còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến những thiệt hại từ bất cập này. Cùng với đó, công tác khắc phục hậu quả thiên tai chậm, rườm rà, chưa đảm bảo yêu cầu khẩn cấp của công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm. Nhiều trường hợp sử dụng nguồn lực cho khắc phục hậu quả thiên tai ở một số địa phương chưa đúng, chưa phù hợp.

Để ứng phó giảm thiểu thiệt hại thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Chúng ta không được chủ quan, mọi người phải chung tay PCTT để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt công tác phòng chống ứng phó thiên tai cần phải chủ động hơn, kịp thời hơn để bảo vệ phát triển sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước. Giảm thiểu thiệt hại thiên tai theo hướng phòng ngừa rủi ro phải được chú trọng.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị khẩn trương kiện toàn cơ quan PCTT các cấp. Rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai tìm kiếm cứu nạn, không để xảy ra trường hợp bị động, lúng túng trong ứng phó. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân về PCTT. Đồng thời công tác dự báo, cảnh báo phải được nâng cao đề chính xác hơn để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Cần sớm xây dựng trung tâm điều hành PCTT quốc gia. Ủy ban quốc gia UPSCTT&TKCN, Bộ Quốc phòng rà soát chuẩn bị các phương án, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện phục vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động không bị bất ngờ, sẵn sàng tham gia khi có yêu cầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc