Thủ tướng thăm chính thức Pháp và dự Đại hội đồng Liên hợp quốc
EmailPrintAa
16:09 23/09/2013

Ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 24 - 26/9; tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ từ ngày 26 - 28/9.

Tham gia đoàn có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Thứ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Văn hóa - Thể thao và Du lịch... 

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Theo đó, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng, đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế, hội nghị hợp tác phi tập trung... Hai bên cũng hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU... 

Pháp là bạn hàng châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD (tăng 15% so với 2,864 tỷ USD năm 2011). Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Pháp đạt 1898 tỷ USD (tăng 14,4% so với năm 2011) và chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,341 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2011) và tập trung chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.

Tính đến 31/12/2012, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,1 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, dịch vụ, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa, công nghiệp, nông nghiệp, phân phối hàng hóa, giải trí, xây dựng và tài chính ngân hàng... 

Hiện Pháp luôn giữ vị trí là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2012, Pháp cam kết cấp gần 340 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2013. 

Giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Chính phủ Pháp dành ưu tiên hỗ trợ cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam với phương châm khẳng định, tôn trọng sự đa dạng văn hoá Việt Nam. Hàng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), Tp. Hồ Chí Minh (Viện trao đổi văn hóa Pháp – IDECAF), Huế và Đà Nẵng. Hiệp định giữa hai Chính phủ về các Trung tâm Văn hóa được ký kết (tháng 11/2009) tạo cơ sở và điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, một trong 2 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Liên hoan nghệ thuật Festival Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp (là đối tác đầu tiên của Festival Huế) đã trở thành một hoạt động văn hóa quốc tế, được tổ chức 2 năm một lần. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được mời tham gia vào nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật tại Pháp (Lễ hội nghệ thuật Avignon, Lễ hội Biển quốc tế Brest…) 

Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Du lịch Việt Nam đã tham gia và tổ chức một số hoạt động xúc tiến tại Pháp.

Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân tới Cộng hòa Pháp nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt – Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới, nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu. 

Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ngày 26/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự Phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững với chủ đề được đề xuất là: “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”. 

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc nói chung và với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc nói riêng. 

Tại Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 vào ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới; thể hiện Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, các hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Phiên thảo luận Cấp cao là cơ hội để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với tiến trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.


    Ý kiến bạn đọc