Thủ tướng tiếp xúc song phương lãnh đạo một số quốc gia
EmailPrintAa
08:25 26/03/2014

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo tại hội nghị An ninh hạt nhân.

Đêm qua, theo giờ Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 diễn ra tại La Hay, Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo một số quốc gia tham dự hội nghị.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai bên bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức đang phát triển sâu rộng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Đức là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong EU nhiều năm qua.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai bên. Thủ tướng đề nghị Chính phủ Đức có các biện pháp hỗ trợ và vận động các doanh nghiệp Đức sang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Về phần mình, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Đức kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam trên cơ sở cùng có lợi, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như sản xuất thiết bị, y tế, năng lượng, hoá chất...

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có việc triển khai dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng Tuyến tầu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc Đức đã chọn thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức Hội nghị Kinh doanh Đức khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng Đức Merkel cho biết đây là sự kiện kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Đức và các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung và với Việt Nam nói riêng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Đức đã duy trì cung cấp ODA cho Việt Nam (tổng giá trị đến nay là khoảng 1,5 tỷ USD), đồng thời đề nghị Đức tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, tăng trưởng xanh và dạy nghề; hợp tác về an toàn hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai Thủ tướng cũng đã nhất trí chỉ đạo các cơ quan hữu quan hai nước phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình phong phú và ý nghĩa để kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức vào năm 2015. Nhân dịp này, Thủ tướng Đức Merkel đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Đức vào năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng, với việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước đang ở vào thời điểm rất thuận lợi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hai Thủ tướng nhất trí cùng hợp tác chặt chẽ để hai bên thực hiện thành công các nội hàm Đối tác chiến lược. Hai Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng hợp tác kinh tế hai nước đang triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đầu tư của Singapore vào Việt Nam trong thời gian qua và hoan nghênh Singapore tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá cao hiệu quả hoạt động của 5 Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện triển khai VSIP 6 và 7. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng, đề nghị các nhà đầu tư Singapore chú trọng phát triển đồng bộ và kết nối cơ sở hạ tầng các vùng lân cận.

Hai Thủ tướng cũng đánh giá cao hai bên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện nay, đặc biệt là các Hội nghị trong khuôn khổ Hiệp định Kết nối, và nhất trí cho rằng điều quan trọng là hai bên phải tăng cường chia sẻ, cập nhật thông tin về môi trường kinh tế, luật pháp, các chính sách mới, cũng như nhu cầu của nhau để việc kết nối được hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhất trí tiếp tục phối hợp với nhau và với các thành viên TPP, đặc biệt là các nước ASEAN trong TPP, thúc đẩy mục tiêu hoàn tất đàm phán trong thời gian sớm nhất, đồng thời bảo đảm TPP là một hiệp định toàn diện, cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, quan tâm thỏa đáng đến sự đa dạng về lợi ích và trình độ phát triển của các thành viên, dành cho các thành viên đang phát triển sự linh hoạt và thời gian chuyển đổi phù hợp trong một số lĩnh vực, qua đó góp phần thúc đẩy xu hướng hợp tác, liên kết ở khu vực.

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về phối hợp trong ASEAN, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng được COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch UB Châu Âu Baroso. (ảnh: TTXVN)

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Baroso, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những phát triển tích cực của quan hệ hai bên. Trong bối cảnh kinh tế EU và Việt Nam gặp khó khăn nhưng kim ngạch thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục tăng trưởng, đạt gần 34 tỷ USD, tăng 16% so với 2012; EU vẫn giữ vững vị trí là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, là một trong các nhà đầu tư hàng đầu và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Baroso khẳng định cam kết của EU tiếp tục dành viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020, thể hiện việc EU coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có EU, là rất quan trọng trong việc duy trì những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm nghèo và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Ông Baroso cũng khẳng định sẽ nỗ lực để thúc đẩy Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, qua đó chính thức tạo khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai bên, phù hợp với quy mô quan hệ hợp tác và đối tác đang phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Baroso cũng tập trung trao đổi về tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hai bên đều đang tập trung nguồn lực đàm phán để có thể kết thúc đàm phán trước Hội nghị cấp cao ASEM 10 vào tháng 10 tới như mục tiêu mà hai bên mong muốn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU tiếp tục cân nhắc sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, dành cho Việt Nam đối xử linh hoạt, đặc biệt là trong một số lĩnh vực thương mại hàng hóa Việt Nam có lợi ích như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép..., hoặc những lĩnh vực đàm phán còn mới mẻ với Việt Nam như mua sắm Chính phủ, chỉ dẫn địa lý.

Việt Nam mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là một Hiệp định cân bằng, đem lại lợi ích thực sự cho hai bên.  Thủ tướng cũng đề nghị ông Baroso chỉ đạo các cơ quan của EC tích cực hợp tác, đẩy nhanh việc xem xét công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam không muộn hơn thời điểm hai bên kết thúc đàm phán EVFTA.

Về đề nghị của ông Baroso muốn tăng cường quan hệ ASEAN-EU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với tư cách là Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam coi trọng và sẽ phối hợp chặt chẽ với EU thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN – EU phát triển hiệu quả và thực chất, đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, Ông Baroso mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ủy ban Châu Âu nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEM vào tháng 10 năm nay.

Cũng trong trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thay mặt Chính phủ và nhân dân Malaysia bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm máy bay MH370; cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với công tác tìm kiếm, cứu hộ.

Ông Yassin cũng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Malaysia, thể hiện rõ nét qua sự phối hợp chặt chẽ trong đợt tìm kiếm máy bay MH370. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Malaysia và thân nhân, gia đình những hành khách trên chuyến bay MH370. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ Malaysia trong các hoạt động tìm kiếm hiện nay./.


    Ý kiến bạn đọc