Thực hiện Đề án 06: 'Giải các bài toán' thiết thực với người dân
EmailPrintAa
22:56 29/09/2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong triển khai Đề án 06, các địa phương cần giải những bài toán cụ thể, tuyên truyền để người dân thấy thiết thực, hiệu quả, từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, đồng thuận và tham gia thực hiện và thụ hưởng lợi ích mà đề án đem lại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao cách làm các địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh…) trong lựa chọn một số nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06 để tập trung làm sâu, triệt để - Ảhh: VGP/Đình Nam

Chiều 29/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tại điểm cầu chính ở TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), kết nối với các điểm cầu tại trụ sở các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Lãnh đạo các địa phương cùng trao đổi về những kinh nghiệm triển khai hiệu quả, những vấn đề đang vướng mắc cần các bộ, ngành làm rõ, hướng dẫn, tháo gỡ.

Chủ động, không đợi các bộ ngành

Sau 8 tháng triển khai Đề án 06 trên địa bàn, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Trước hết là nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06; dự báo đúng tình hình, lường trước những khó khăn, thách thức và nguy cơ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết ngay từ khi bước vào thực hiện Đề án 06, đồng thời quyết tâm thực hiện đúng thời gian từng nội dung công việc, để tạo cơ sở cho các bước tiếp theo hoàn thành đúng tiến độ.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai Đề án 06, "quyết tâm trong chủ trương, quyết liệt trong hành động" sẽ tác động đến trách nhiệm toàn bộ các cơ quan cấp dưới.

Việc thực hiện Đề án 06 tạo sự "chuyển mình" mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp, từ sở, ban, ngành đến UBND các cấp, đoàn, hội, trưởng thôn/xóm/bản,…

Sức mạnh tổng hợp, sự tham gia đồng hành chuyển đổi số quốc gia từ các công ty, doanh nghiệp được phát huy trong việc triển khai các nhiệm vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa chính quyền địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ chung của Đề án 06.

Đề án 06 đặt ra những nhiệm vụ rất cụ thể của từng cấp, trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai. Việc chủ động trong triển khai các nhiệm vụ, không đợi các bộ, ngành, đã giúp các địa phương sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tiếp cận và triển khai các tiện ích để người dân, doanh nghiệp sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Việc số hoá dữ liệu cần được đánh giá cụ thể, tận dụng dữ liệu sẵn có để áp dụng phương thức số hoá phù hợp, không đầu tư các kho dữ liệu trùng lặp thông tin, gây tốn kém ngân sách Nhà nước.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc triển khai Đề án 06, tạo đồng thuận trong triển khai, như thành lập tổ tuyên truyền, truyền thông lưu động, phát tờ rơi hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Bên cạnh đó, các địa phương còn gặp khó khăn khi lực lượng triển khai Đề án 06 ở cấp xã, phường chưa được tập huấn, đào tạo sử dụng công nghệ thành thạo, nên việc tiếp nhận, xử lý, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra. Hạ tầng phục vụ tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhiều địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, không chờ đợi các bộ, ngành - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tập trung số hoá, đồng bộ, làm sạch

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ LĐTB&XH… đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến xây dựng, kết nối các hệ thống, kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, dữ liệu chuyên ngành; đồng thời quy rõ trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu số của từng đơn vị, cá nhân;…

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, bên cạnh việc xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức, các địa phương cần thực hiện số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giúp làm giàu, làm sống, làm sạch các cơ sở dữ liệu đã và đang phát triển, đồng thời hình thành các dữ liệu mới khi chưa có điều kiện, nguồn lực để xây dựng cùng lúc.

Để triển khai tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng bộ chuẩn hoá, làm sạch dữ liệu liên quan đến công dân giữa các hệ thống; hoàn thiện, điện tử hoá mẫu đơn, tờ khai, biểu mẫu theo hướng tự động điền các thông tin dữ liệu công dân; tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện, nâng cấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc thực hiện Đề án 06 tạo sự "chuyển mình" mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp, từ sở, ban, ngành đến UBND các cấp, đoàn, hội, trưởng thôn/xóm/bản… - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tháo gỡ ngay những vướng mắc nhỏ nhất

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao cách làm các địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh…) trong lựa chọn một số nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06 để tập trung làm sâu, triệt để. Từ những kinh nghiệm này, bộ, ngành cần xây dựng hướng dẫn chi tiết để triển khai ra cả nước.

"Có những việc, nhiệm vụ không mới, nhưng đã đến bước chúng ta làm một cách tổng thể, kết nối, đồng bộ tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến người dân thành dữ liệu dùng chung của Chính phủ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể khẩn trương phối hợp rà soát kỹ để đồng bộ, làm sạch dữ liệu.

Về một số việc trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương có ngay chỉ đạo, hướng dẫn cách làm thống nhất về những loại giấy tờ cá nhân người dân cần mang khi giải quyết các thủ tục hành chính, theo quy định mới.

Đối với các dịch vụ công thiết yếu đang vướng khi triển khai, như: Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế; liên thông đăng ý khai tử-xoá đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí; cấp chữ ký điện tử; cấp lý lịch tư pháp,… Phó Thủ tướng nêu rõ "chủ trương không vướng" và yêu cầu bộ, ngành liên quan chỉ đạo rất chi tiết, tháo gỡ ngay những vướng mắc, dù nhỏ nhất, trong quy định, thủ tục hiện nay. "Những việc này phải hoàn thành trong tháng 10/2022".

"Những khu chung cư đông người, có điều kiện hạ tầng tốt, thì nghiên cứu thí điểm đặt các máy tính để người dân sử dụng thuận lợi các dịch vụ công trực tuyến", Phó Thủ tướng gợi mở và đề nghị các bộ, ngành liên quan chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng căn cước công dân, mã số định danh cá nhân khi khám chữa bệnh, học tập, giao dịch ngân hàng, tạo lập tài khoản an sinh xã hội, khai báo tạm trú trên ứng dụng VNeID…

Từ kinh nghiệm của các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong triển khai Đề án 06, các địa phương cần giải những bài toán cụ thể, tuyên truyền để người dân thấy thiết thực, hiệu quả, từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, đồng thuận và tham gia thực hiện và thụ hưởng lợi ích mà đề án này đem lại.

Nguồn: Đình Nam/chinhphu.vn

( https://baochinhphu.vn/thuc-hien-de-an-06-giai-cac-bai-toan-thiet-thuc-voi-nguoi-dan-102220929174730956.htm )


    Ý kiến bạn đọc