Thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình
EmailPrintAa
08:34 29/08/2012

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tiến hành kiểm điểm một cách nghiêm túc theo các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, theo đúng phương châm làm từ trên xuống. 

Có thể thấy, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng trong Đảng, khác hẳn các kỳ kiểm điểm trước đây vẫn tiến hành. Cách làm cũng có nhiều nét mới như: Sau kiểm điểm, góp ý chung của tập thể, cá nhân tiếp tục hoàn thiện lần nữa; việc chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân đã được làm nghiêm túc, kỹ càng, trên tinh thần khách quan, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh; thể hiện tính gương mẫu của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Trong kiểm điểm có một số nội dung, cách làm mới, như: Những vấn đề gì đã rõ thì Bộ Chính trị kết luận ngay, những gì chưa rõ thì giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương, các Ban Đảng sẽ kiểm tra, xác minh. Với cách làm như vậy, tin tưởng và hi vọng sẽ có một sự chuyển biến căn bản.

Có điều là phải đợi đến Hội nghị Trung ương tới và việc các cơ quan chức năng xử lý như thế nào những vấn đề nổi cộm, liên quan đến trách nhiệm cá nhân, lúc ấy mới có thể đánh giá đúng chất lượng của tự phê bình và phê bình. Bởi vì, chất lượng của tự phê bình và phê bình không phụ thuộc số trang của bản kiểm điểm viết ngắn hay dài, thời gian họp kiểm điểm nhiều hay ít, mà chất lượng, hiệu quả của tự phê bình và phê bình thể hiện quan trọng nhất là việc xử lý những vấn đề đã kiểm điểm như thế nào? Khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như thế nào? Phát huy những ưu điểm, tích cực như thế nào? Đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo như thế nào?

Nhưng dù sao có thể thấy đã có một sự chuyển biến tích cực. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình của Bộ Chính trị là chu đáo. Cụ thể:

- Trước khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị chỉ đạo cho các đảng bộ, các cơ quan Trung ương trực thuộc đóng góp ý kiến cho tập thể và cá nhân.

- Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các lão thành cách mạng được mời đến để phổ biến các văn kiện và đóng góp ý kiến. Đây là một việc làm mới, tất cả những ý kiến đóng góp đều được tổng hợp và giữ nguyên văn, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc.

Trong kiểm điểm, các đồng chí lãnh đạo đều nói rất ngắn về ưu điểm, tập trung chủ yếu nói về các khuyết điểm và cách khắc phục các khuyết điểm còn tồn đọng đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đây cũng là một cái mới. Bởi vì, đấu tranh không khoan nhượng với những khuyết điểm, sai lầm, làm rõ vấn đề để đi đến thống nhất, đoàn kết là đúng phương hướng và mục đích. Còn phê bình, đấu tranh không triệt để, đi đến thỏa hiệp, “dĩ hòa vi quý” để đi đến “đoàn kết”, mọi người cùng vui vẻ, thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm.

Có người vì không muốn thực hiện tự phê bình và phê bình nên đã ngụy biện rằng, nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và của Chính phủ thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng mà công kích, chống phá ta. Nhận thức như vậy cần phải phê phán và loại bỏ. Nếu cán bộ, đảng viên có khuyết điểm mà không dám tự nhận và sửa chữa thì khuyết điểm sẽ ngày càng trầm trọng, cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nguy kịch, “không chết thì cũng la lết quả dưa”. Thực tế cho thấy, những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng, một trong những nguyên nhân suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình.

Do đó, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, không những các thế lực thù địch không thể lợi dụng để công kích ta, mà trái lại còn làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên ngày càng tiến bộ, trưởng thành; nhân dân càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước; góp phần vô hiệu hóa âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, chống phá nhằm gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. 

Vui mừng, phấn khởi và tin tưởng là trong lần kiểm điểm này, Trung ương đã quán triệt đúng, sâu sắc mục đích, nguyên tắc, phương châm, cách tiến hành tự phê bình và phê bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Khi nói về tự phê bình và phê bình, Người đặt câu hỏi: Đảng là gì? Và Người giải thích: Đảng là Người nên Đảng vận động và phát triển trong xã hội thì những mâu thuẫn trong Đảng là khó tránh khỏi. Việc đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn, làm cho Đảng phát triển là cần thiết và tất yếu. Như­ng đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn đó không phải bằng biện pháp bạo lực, thanh trừng lẫn nhau, mà đấu tranh bằng tự phê bình và phê bình. Đảng là Ngư­ời nên cũng có sai lầm, khuyết điểm (tức là cũng có lúc khoẻ, lúc yếu). Không vì thấy ốm yếu, bệnh tật (có khuyết điểm) mà phát sinh tư­ tưởng lo sợ, bi quan, giấu giếm bệnh tật. Có bệnh phải mạnh dạn, chủ động, khẩn trư­ơng, kiên trì chạy chữa. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải uống thuốc. Liều thuốc tốt nhất là tự phê bình và phê bình. Tổ chức đảng, đảng viên cần tự phê bình và phê bình như­ cần không khí, "nh­ư mỗi ngày phải tự rửa mặt". Đảng không dám tự phê bình và phê bình, không dám thừa nhận khuyết điểm, sai lầm “là một Đảng hỏng”.

Mục đích của tự phê bình và phê bình là không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, năng lực và hiệu quả công tác cho cán bộ, đảng viên. Phát huy ư­u điểm, ngăn ngừa sai phạm, sửa chữa khuyết điểm, tăng cư­ờng đoàn kết ... Phê bình và tự phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Phê bình và tự phê bình là để trị bệnh cứu ngư­ời, dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gư­ơng mẫu hơn, làm cho tổ chức đảng mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn.

Trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình cần lưu ý: Tự phê bình và phê bình là công việc thư­ờng xuyên. Nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gư­ơng, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực. Tự phê bình và phê bình phải có nội dung, địa chỉ cụ thể; làm rõ ư­u, khuyết điểm; tìm ra nguyên nhân và đề xuất được biện pháp phát huy ư­u điểm, khắc phục khuyết điểm. Tự phê bình phải thật thà, nhận và công khai nhận khuyết điểm để tìm cách sửa chữa. Khi phê bình phải ráo riết, triệt để, không thêm bớt, không vội vàng quy kết. Phê bình phải thể hiện tình thân ái, không mỉa mai, xúc phạm nhân phẩm của nhau. Nói rõ ­ưu điểm, khuyết điểm; không nói ngoài hội nghị; tiến hành ngay khi mới phát sinh vi phạm, không để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo, khéo léo về cách thức và phương pháp thực hiện.

Để tiến hành đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ cần:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc vận động tự phê bình và phê bình; Tăng c­ường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng.

- Mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; nâng cao trình độ, kiến thức các mặt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cơ sở cho mọi người tham gia tự phê bình và phê bình, giám sát, góp ý lẫn nhau.

- Duy trì tốt nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; Coi trọng tự phê bình và phê bình của cấp uỷ; Cán bộ chủ chốt gương mẫu tự phê bình và phê bình trước.

- Tổ chức phối, kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của nhân dân; Phát huy vai trò tích cực của nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng.

- Phối hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, công tác thanh tra. Qua tự phê bình và phê bình, phát hiện cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có sai phạm thì phải kiên quyết xử lý.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Tiếp tục đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Xây dựng hệ thống pháp quy đủ mạnh nhằm pháp lý hoá, chuẩn hoá các hoạt động tự phê bình và phê bình...

- Thực hiện đúng Quy trình tiến hành tự phê bình và phê bình./. 


    Ý kiến bạn đọc