"Tiến độ ban hành văn bản thi hành luật quá chậm"
EmailPrintAa
10:51 04/11/2013

Theo các đại biểu, ban hành được 49% văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được QH khóa 13 thông qua là quá chậm

Tính đến hết tháng 7/2013, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản, trong đó, Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 15/10 có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Ngay sau khi luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, hầu hết Bộ, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch, chỉ thị triển khai thi hành các luật, pháp lệnh trong phạm vi quản lý. 

Đánh giá về tình hình triển khai thi hành luật, nghị quyết nhiều đại Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành mới ban hành được 49% văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua là quá chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý điều hành của cơ quan nhà nước.

Đại biểu Phạm Xuân Thường-đoàn Thái Bình, đại biểu Ngô Đức Mạnh, đoàn Bình Thuận nêu ví dụ một số dự án luật có hiệu lực trong thời gian dài nhưng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó có Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/1/2013 nhưng đến nay mới ban hành được một văn bản hướng dẫn. Luật Quảng cáo, luật Xuất bản có hiệu lực từ đầu năm nhưng vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn thi hành. Không chỉ chậm tiến độ mà chất lượng của các văn bản dưới luật cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội đề cập. 

Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Xuân Thường, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – đoàn Lâm Đồng cho rằng tính hợp hiến, hợp pháp của nhiều văn bản ban hành chưa cao. Trong số hơn 1.700 văn bản được ban hành có trên 200 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung và hiệu lực, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cơ quan giám sát là Bộ Tư pháp tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết. Trong báo cáo của Chính phủ cũng cần nêu rõ bộ, ngành nào làm sai, chậm tiến độ ban hành các văn bản thì cần xử lý nghiêm.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền-đoàn Lâm Đồng nêu ý kiến: "Tôi đề nghị báo cáo phải nêu rõ từng bộ thiếu những văn bản gì, nêu tên cụ thể. Khi ban hành luật, đề nghị Quốc hội cũng nên hạn chế tối đa khi thông qua luật có điều khoản do Chính phủ hướng dẫn. Quốc hội cũng nên có Nghị quyết đánh giá đúng thực trạng này và kiến nghị trách nhiệm của từng bộ trưởng đến cuối năm phải quy trách nhiệm và có thời hạn cụ thể'.

Dự toán chi NSNN cần tập trung vào đảm bảo an sinh xã hội 

Trước đó, trong buổi sáng nay, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. 

Các đại biểu đều nhất trí với dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và các phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong thời điểm kinh tế khó khăn, Chính phủ cần triển khai các giải pháp thắt chặt các nguồn chi, trong đó mạnh dạn cắt bỏ các nguồn chi không cần thiết, giảm nợ đọng thuế, đặc biệt là tinh gọn lại bộ máy các cơ quan công quyền. Đối với dự toán chi ngân sách Nhà nước và Trung ương năm 2014, cần tập trung vào những lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội và con người. 

Theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng, đoàn Bạc Liêu, một trong những thử thách hiện nay là đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp giảm dần sau các năm từ 13.8% năm 2000, 5.2% năm 2012. Mặc dù đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng: Đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp nông thôn mặc dù đã tăng trong thời gian gần đây vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, tỷ trọng FDI nông nghiệp giảm nông nghiệp giảm từ 8% năm 2011 xuống 1% năm 2012. Vì vậy, theo tôi, nếu không tăng đầu tư cho nông nghiệp theo tỷ lệ thích hợp thì không tạo được sự đột phá, không đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp như mục tiêu đề ra.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, các đại biểu kiến nghị cần thu hẹp các chương trình, hoặc các dự án thành phần, chỉ nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tránh tình trạng đầu tư dàn trải như hiện nay. Bởi lẽ, với tổng số 16 chương trình mục tiêu hiện nay thì các địa phương rất khó tập trung chỉ đạo, điều hành. Nhiều chương trình kéo dài khiến nguồn vốn chi cho nhân sự quản lý các dự án tăng trong khi hiệu quả đối với người thụ hưởng không cao. 

Đại biểu La Ngọc Thoáng, đoàn Cao Bằng nêu ý kiến: Cần rà soát lại tất cả mục tiêu của mỗi chương trình và điều chỉnh giảm bớt, lồng ghép các chương trình cho phù hợp với điều kiện về nguồn lực. Điều chỉnh tỷ trọng vốn, tăng chi cho đầu tư phát triển đặc biệt là hạ tầng cơ sở như giao thông, trường học, trạm y tế, giảm chi cho sự nghiệp. Phải linh hoạt trong cách tiếp cận mỗi vùng, miền để chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Đối với vùng sâu, vùng xa nên chọn cách đào tạo qua thực tế tại thôn bản, hơn là tổ chức các lớp học ở hội trường tập trung. Cần xây dựng các mô hình điểm từ đó nhân rộng ra.

Cuối phiên họp sáng nay, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo giải trình thêm những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến ngành phụ trách. 

Báo cáo về các vấn đề của chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, ngay trong năm 2014-2015 sẽ không cắt giảm các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai (ngày 4/11), Quốc hội tiếp tục làm việc, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này; thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và thảo luận về dự án Luật hải quan (sửa đổi)./.


    Ý kiến bạn đọc