Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
EmailPrintAa
09:51 29/05/2012

Chiều 28/5, tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khoá XIII, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề cần cải tiến, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội bao gồm: Hoạt động lập pháp; Hoạt động giám sát; Quyết định các vấn đề quan trọng; Tổ chức kỳ họp Quốc hội; Tổ chức phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; Công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội.
Đóng góp vào Đề án, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị khi lần đầu đưa một dự thảo luật trình Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải làm đến cùng một vấn đề, sau đó phải có kết luận luôn về vấn đề đó, tránh tình trạng cứ làm đi làm lại một dự thảo có khi tới 15 lần mà không có gì khác nhau, chỉ sửa chữa câu chữ rất nhỏ.
Về vấn đề tăng đại biểu chuyên trách, theo đại biểu Trần Du Lịch cần phải cân nhắc, trước hết xác định rõ trách nhiệm, công việc cụ thể của đại biểu chuyên trách. Không nên để tình trạng ngồi chuyên trách làm cũng được, mà không làm cũng được. Do vậy, nên có sự đồng bộ, nếu không sẽ gây lãng phí.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng nên cân nhắc việc tăng đại biểu chuyên trách vì sau khi hết một nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu vẫn còn tuổi công chức nhưng không trúng tiếp khóa tới thì tính sao? Việc sắp xếp công việc là rất khó khăn, và có phần thiệt thòi cho đại biểu đó, nên chăng trong Đề án cần đảm bảo quyền lợi cho những đại biểu chuyên trách.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa), đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng một số dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chất lượng chưa cao. Chưa có cơ chế thực sự hiệu quả để huy động trí tuệ tập thể của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học và sự tham gia ý kiến của các đại biểu Quốc hội vào quá trình xây dựng, thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật; tính khả thi của một số luật, pháp lệnh đã được ban hành chưa cao nên phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần… Do đó cần phải đầu tư công sức nhiều hơn nữa trong vấn đề làm luật.
Về công tác giám sát, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng mặc dù có cố gắng nhưng những năm qua hoạt động chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn. Một số cơ quan chịu sự giám sát, cũng như một số chủ thể tham gia vào hoạt động giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, như việc thực hiện kiến nghị giám sát, theo dõi thực hiện kiến nghị, kết luận giám sát…
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) yêu cầu làm rõ vấn đề “bỏ phiếu tín nhiệm” và “lấy phiếu tín nhiệm” trong những trường hợp cụ thể nào và phải được ghi rõ trong Đề án.
Liên quan đến việc tổ chức các hội nghị thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đồng tình cần thiết phải tổ chức các hội nghị này nhưng việc tổ chức sao cho phù hợp và cần làm rõ tính chất pháp lý của hội nghị trực tuyến. Cuộc họp nào liên quan tới các địa phương thì nên dành nhiều cho các địa phương trình bày. Nếu dành cả một buổi cho một dự luật nhưng chỉ có một vài ý kiến phát biểu thì lãng phí thời gian.
Về cải tiến chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Tiến Sơn (Hòa Bình) gợi ý nên thay đổi cách thức như bố trí tiếp xúc cử tri ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, hoặc tiếp xúc thông qua việc tiếp công dân. Như vậy sẽ giải quyết được kiến nghị của cử tri.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) đề nghị tăng cường thời lượng chất vấn, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ở nghị trường, vì cho rằng đại biểu mang nhiều tâm tư của cử tri, nếu dành ít thời gian thì không nói hết được mong muốn của cử tri, hoặc trả lời bằng văn bản có thể tạo cảm giác né tránh những điều bức xúc của cử tri.
Góp ý dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng chỉ đưa vào Chương trình năm 2013 những dự án được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với các dự án mới được đề nghị bổ sung vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII, chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết, phù hợp với định hướng xây dựng Chương trình được đề cập trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và đã được chuẩn bị tốt, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2013 phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án.
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 là 80 dự án luật và 7 dự án pháp lệnh.
Sáng mai 29/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường để thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp./.

    Ý kiến bạn đọc