Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng hoa giới báo chí nhân dịp 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị giao ban báo chí.
Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; các đồng chí nhà báo lão thành; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Báo chí - sứ mệnh nghề nghiệp cao cả
Bảy tỏ sự vui mừng khi tham dự Hội nghị giao ban báo chí nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa gửi tới những người làm báo cách mạng Việt Nam những lời chúc tốt đẹp nhất, sức khỏe, nhiều thành công.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Chúng ta đã bước sang nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đây là thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực hết sức với quyết tâm cao hơn, khát vọng cao hơn, trí tuệ hơn, sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra.
Đồng chí nhấn mạnh: Báo chí cách mạng Việt Nam, với vai trò và sứ mệnh nghề nghiệp cao cả, với bề dày truyền thống vẻ vang gần 100 năm xây dựng và phát triển, cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam ở hai dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng năm 2030 và 100 năm thành lập Nước năm 2045.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, vai trò đi trước mở đường, vai trò chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện rõ nét là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước.
Tập trung xây dựng các chuyên mục, chương trình tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay; phương hướng, nhiệm vụ giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Coi trọng thông tin, tuyên truyền phát triển văn hóa, xã hội; xác định rõ việc thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội phải hài hòa và ngang tầm với thông tin, tuyên truyền phát triển kinh tế.
Tiếp tục chú trọng tuyên truyền lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Làm tốt hơn nữa, chủ động hơn nữa, không ngừng nghiên cứu, đổi mới tư duy, cách thức quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, chú trọng khai thác, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, báo chí phải thật sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phải góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam.
Chú trọng tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách xây dựng và tích cực, chủ động tham gia giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề được dư luận quan tâm với tâm thế và phẩm chất của người làm báo cách mạng. Chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ có được một nền báo chí liêm chính, nhân văn và chuyên nghiệp. Khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của phóng viên, người làm báo. Và đây là điều tất yếu, là trách nhiệm, là điều phải làm của các cơ quan báo chí.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý: Chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, mỗi nhà báo, mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cần quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.
Lấy kết quả công tác, lấy sự phụng sự Tổ quốc và nhân dân là hành trang và kế hoạch ý nghĩa để hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và bước sang giai đoạn phát triển mới với tinh thần "chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại" như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Triển khai kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã thông tin kế hoạch triển khai kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, sau 98 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí với đội ngũ hùng hậu hơn 41 nghìn người làm báo. Năm 2025 đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam - sự kiện chính trị - nghề nghiệp đặc biệt của báo chí và những người làm báo.
Với ý nghĩa đó, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp.
Các nội dung triển khai hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam gồm: Triển khai tổng kết Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì;
Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì;
Phối hợp tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì; phối hợp tổng kết công tác Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều tọa đàm, hội thảo, triển lãm chuyên đề được tổ chức.
Dịp này, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm cấp quốc gia nhân dịp 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; Hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu lần thứ hai”; biên soạn bộ sách “100 năm báo chí cách mạng Việt Nam”; xây dựng phim tài liệu 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền thông nâng cao chất lượng tuyên truyền về các hoạt động báo chí; xây dựng chuyên mục, chuyên đề 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và chất lượng sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tiễn...
Nguồn: THANH HÀ/nhandan.vn
Tin mới cập nhật
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)
- Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng ( 07/11)
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả ( 05/11)
- Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan ( 04/11)