Tìm giải pháp gỡ "rào cản" trong giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư
EmailPrintAa
09:39 06/08/2012

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP- UBTƯMTTQ giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam về ban hành quy chế "MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư", kết quả bước đầu thu được rất kịp thời, xác đáng, được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để gỡ "rào cản" còn vướng mắc.

80% vụ việc phát hiện qua giám sát được giải quyết

Nghị quyết liên tịch số 05 ra đời phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nên thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng, bước đầu tạo được lòng tin của nhân dân. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, qua 4 năm triển khai thực hiện, 5 tỉnh, thành phố làm điểm đã nhận được 3.123 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, trong đó tỉnh Quảng Bình nhận được 484 đơn thư và ý kiến phản ánh, kiến nghị; thành phố Hà Nội nhận được 1.292 đơn thư và ý kiến, kiến nghị; tỉnh Tiền Giang nhận được 616 đơn và ý kiến, kiến nghị; tỉnh Ninh Bình nhận được 449 đơn thư và ý kiến phản ánh; thành phố Hồ Chí Minh nhận được 282 đơn và ý kiến, kiến nghị.

Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng; quản lý xây dựng; vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, biểu hiện tham nhũng. Số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân. Tuy nhiên, trong số đơn thư giám sát của nhân dân gửi đến mặt trận, số đơn không có chữ ký và địa chỉ không rõ ràng của người gửi khá nhiều.

Điều đáng mừng, những vụ việc, vi phạm được phát hiện qua giám sát hầu hết có cơ sở và số việc được giải quyết khá quyết liệt, đạt tỷ lệ cao, trên 80%. Trong đó, đối với đơn thư có nội dung cụ thể, rõ ràng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã tiến hành phân loại để kiến nghị, đồng thời thường xuyên đôn đốc các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết. Qua đó, MTTQ và nhân dân không chỉ phát hiện, kiến nghị giải quyết, ngăn chặn được nhiều sai phạm, mà còn góp phần nâng cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Thông qua giải quyết kiến nghị của Ủy ban MTTQ cấp xã, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và tiến hành xử lý trách nhiệm đối với sai phạm của cá nhân liên quan, bước đầu rất kịp thời, xác đáng, được nhân dân đồng tình và tin tưởng.

Điển hình như thành phố Hà Nội đã giải quyết được 1.023 vụ việc. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý cách chức Giám đốc Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (thuộc Bộ NN&PTNT) có vi phạm lấn chiếm đất công, xây dựng không phép; bãi nhiệm một phó công an xã nhận tiền hối lộ của dân làm "sổ đỏ". Ngoài ra, ở nhiều xã, phường, thị trấn qua giám sát, kiến nghị đã thu hồi được hàng trăm mét vuông đất bị lấn chiếm, hàng chục tỷ đồng từ việc mua bán trái phép đất công và tham nhũng...

Hay như tỉnh Quảng Bình, cơ quan có thẩm quyền đã khiển trách 3 đảng viên, cảnh cáo 2 đảng viên, khai trừ khỏi Đảng 1 đảng viên, cách chức 1 hiệu trưởng, bãi nhiệm 1 trưởng thôn, thu hồi gần 20 triệu đồng chi sai nguyên tắc… Đáng chú ý tại xã Quảng Dương, huyện Quảng Trạch, có 49 đơn thư nội dung phản ánh về việc có 85 trường hợp người dân làm giả hồ sơ thương binh, thanh niên xung phong. Ngay sau khi có đơn nhân dân và kiến nghị của Mặt trận, có 60 trường hợp tự nguyện xin rút hồ sơ không làm nữa và thừa nhận bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để hưởng chế độ.

Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý cảnh cáo chuyển công tác 3 cán bộ, đình chỉ công tác 1 cán bộ, khai trừ khỏi đảng 1 đảng viên, buộc thôi việc 7 cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu… Tỉnh Tiền Giang, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý 13 trường hợp, trong đó buộc thôi việc 4 cán bộ, công chức, chuyển 1 trường hợp đến cơ quan điều tra…

Sự phối hợp còn lỏng lẻo, chưa vì trách nhiệm chung 

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định, kết quả nêu trên còn hạn chế, bởi nhiều nơi coi đây là việc riêng của MTTQ, trong khi đội ngũ cán bộ MTTQ cơ sở trình độ, năng lực còn bất cập. Ở một số nơi, Ủy ban MTTQ cấp và ban công tác mặt trận còn lúng túng trong việc phân công phối hợp trách nhiệm thực hiện các hoạt động giám sát. Đó là chưa kể đến sự thiếu tham gia thực hiện của chính quyền và các ban, ngành chức năng, dẫn đến số vụ việc được phát hiện mới chỉ là "bề nổi", thậm chí nhiều nơi không phát hiện được vụ việc nào.

Tính đến thời điểm này, phần lớn số đơn thư, ý kiến phản ánh về các vụ việc cụ thể chủ yếu do nhân dân phát hiện; số do các thành viên phát hiện và kiến nghị rất ít. Đơn cử như so với 5 tỉnh, thành phố làm điểm thì Hà Nội có số đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân nhiều nhất (1.292 đơn). Nhưng trong đó, số đơn do các tổ chức thành viên của MTTQ phát hiện chỉ đạt 10,5%, còn lại do MTTQ và nhân dân kiến nghị, phản ánh. Điều này cho thấy, sự phối hợp của các tổ chức thành viên MTTQ còn lỏng lẻo, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm chung...

Một điều đáng nói nữa là dư luận nhân dân cũng còn băn khoăn, lo ngại về hiệu quả và tính khả thi của việc thực hiện quy chế, đặc biệt là việc giải quyết những kiến nghị giám sát do Mặt trận tập hợp qua đơn giám sát của nhân dân gửi đến chính quyền và cơ quan có thẩm quyền, nhất là những vụ vi phạm về quản lý đất đai. Trên thực tế, người dân còn lo ngại khi đối thoại sẽ ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, sợ bị trù dập khi chưa có cơ chế bảo vệ rõ ràng nên chưa thực sự hăng hái và nhiệt tình hưởng ứng. Điều này dẫn đến kết quả giám sát một số nơi chưa phản ánh đúng với thực tế đang diễn ra ở cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn hạn chế, khiến dư luận nhân dân băn khoăn, không hiểu rõ và lo ngại về hiệu quả, tính khả thi của Nghị quyết. Có nơi, các cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp của Trung ương, tỉnh, huyện đóng trên địa bàn cấp xã và đảng viên sinh hoạt theo quy định 76 của Bộ Chính trị chưa được quán triệt chủ trương giám sát của Mặt trận nên trong quá trình giám sát còn gặp khó khăn…

 Người dân còn lo ngại khi đối thoại sẽ ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, sợ bị trù dập khi chưa có cơ chế bảo vệ rõ ràng - Ảnh: TH

Để "khơi thông" những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 05, Bộ Nội vụ và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có kiến nghị mở rộng thực hiện trên cả nước. Đáng chú ý phải tiến hành đồng bộ cả hệ thống chính trị và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ Trung ương đến cơ sở, gắn với việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời có cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và MTTQ Việt Nam cùng cấp trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với đó phải có cơ chế bảo vệ người giám sát, phát hiện, tố giác tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, và có cơ chế khen thưởng, động viên, nêu gương người tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tố giác đúng người đúng việc. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện một bước về cơ chế giám sát, quy trình giải quyết đơn thư giám sát, phản ánh, kiến nghị; nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết và trả lời các kiến nghị liên quan.

Theo một số đồng chí lãnh đạo của MTTQ Việt Nam, cùng với các biện pháp xử lý và chế tài đồng bộ thì cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu, như tạo điều kiện để người kiến nghị tiếp cận, gặp gỡ, trình bày ý kiến và cần có cơ chế quy định thống nhất quan hệ giữa bộ phận tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn thư ở từng cấp. Đặc biệt là có biện pháp xử lý người có thẩm quyền giải quyết nhưng thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị của MTTQ và nhân dân./.


    Ý kiến bạn đọc