Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự tham dự đông đảo của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã nói lên tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của Hội nghị để cùng thảo luận về công tác rất quan trọng là xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thời gian qua chúng ta đã có được một hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, công khai, minh bạch hơn; tạo dựng được hành lang pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị…
Lập pháp là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của Quốc hội và thời gian qua, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc liên quan đến công tác lập pháp, bảo đảm cả về quy mô và chất lượng, bao quát hết tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, chúng ta thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật còn những bất cập, hạn chế, yếu kém. Trong đó nổi lên là hệ thống pháp luật còn những quy định chưa đồng bộ, tính khả thi của một số dự thảo được xây dựng chưa cao; tính ổn định của một số luật, pháp lệnh còn hạn chế do điều kiện khách quan trong phát triển; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo… Đây là những vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục rà soát, khắc phục, hoàn thiện, bổ sung.
Trong tổ chức thi hành pháp luật, vẫn còn những điểm yếu. “Trong thực thi pháp luật, chúng ta thấy có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất hồn nhiên, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là việc chấp hành phát luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc xây dựng pháp luật cần bám sát vào Nghị quyết của Đảng để tập trung vào những trọng tâm lớn là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân, đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; những vấn đề về bảo đảm hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới, thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các nhân, tổ chức trong tuân thủ và thực hiện pháp luật.
“Tôi bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, với những vấn đề được xem xét thảo luận, quyết định, sau Hội nghị này, công tác xây dựng thể chế, pháp luật và thi hành pháp luật của nước ta sẽ có một bước chuyển biến tốt hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ
Nguồn: Nguyễn Hoàng/chinhphu.vn
(http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Tin-tuong-cong-tac-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-se-co-mot-buoc-chuyen-bien-tot-hon/414933.vgp)
Tin mới cập nhật
- Làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á ( 22/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia ( 22/11)
- Tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc sắp xếp, mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị Việt Nam ( 22/11)
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)