Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc. (Ảnh: DUY LINH)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 để trình tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể công tác chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong Báo cáo về kinh tế-xã hội để đại biểu Quốc hội thảo luận.
Đồng thời, bổ sung các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu: Báo cáo về tình hình năm học 2021-2022, trong đó có đề cập các nội dung như: Tổ chức cho học sinh đi học trở lại, khả năng thích ứng và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch; bảo đảm phương thức tổ chức dạy và học; giảm tải nội dung, chương trình học tập; công tác tổ chức thi cuối năm; kỳ thi trung học phổ thông, xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng…; bảo đảm chất lượng dạy và học, thi, tuyển sinh và an toàn cho học sinh; Báo cáo về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Báo cáo về tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nội dung kết luận chỉ rõ tình trạng hiện nay, tiến độ gửi tài liệu rất chậm, mới có rất ít tài liệu kỳ họp được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, sẽ ảnh hưởng việc nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng ý kiến phát biểu thảo luận tại kỳ họp của đại biểu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản (kèm theo danh mục tài liệu kỳ họp) đến các cơ quan có liên quan để đôn đốc những cơ quan chưa gửi, gửi thiếu, trong đó nêu rõ thời hạn gửi theo quy định của pháp luật; đồng thời, công khai danh sách các cơ quan chưa gửi hoặc gửi thiếu tài liệu phục vụ cho kỳ họp.
Về Chương trình kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bố trí thời gian cho từng nội dung một cách phù hợp để cố gắng giảm tối đa thời gian kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng kỳ họp, trong đó giữ nguyên thời gian chất vấn là 2,5 ngày; không đưa vào chương trình nội dung chiếu phim về quá trình đầu tư, triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh, gửi kèm thành một tài liệu vào mục tài liệu kỳ họp để đại biểu Quốc hội tham khảo; bố trí thảo luận các nội dung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 cùng phiên thảo luận về kinh tế-xã hội; giảm thời gian trình bày tờ trình đối với các dự án về các công trình quan trọng quốc gia (chỉ tối đa 15 phút).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu bố trí trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra với phiên thảo luận các dự án luật trình Quốc hội thông qua do đã được thảo luận kỹ lưỡng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; cố gắng bố trí khoảng cách hợp lý giữa việc trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra với việc thảo luận ở tổ và hội trường, bảo đảm có thời gian cho việc tổng hợp, giải trình ý kiến đại biểu…
Phát huy kinh nghiệm của các kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ cần tiếp tục làm tốt, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hơn nữa các điều kiện bảo đảm về mọi mặt, công tác thông tin, tuyên truyền,… để Kỳ họp thứ 3 diễn ra thông suốt, an toàn, hiệu quả và thành công tốt đẹp...
Nguồn: VĂN CHÚC/nhandan.vn
Tin mới cập nhật
- Làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á ( 22/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia ( 22/11)
- Tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc sắp xếp, mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị Việt Nam ( 22/11)
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)