Tổng Bí thư: Lời nói đầu Hiến pháp sửa đổi chưa có sức vang…
EmailPrintAa
09:15 24/10/2013

So với trước, lời nói đầu có bước tiến là ngắn gọn hơn nhưng đọc vào tôi thấy có mấy điểm chưa ổn…”.

Trong thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sáng 23/10, các đại biểu đều cho rằng, bản dự thảo lần này đã có tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện. 

Góp ý vào dự thảo Hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nói: “Với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn nếu chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào. Tôi thấy tất cả những nội dung trong dự thảo lần này đã đáp ứng được điều đó.” 

Góp ý vào lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp, Tổng Bí thư nói: “Lời nói đầu tuy ngắn gọn nhưng phải như một tuyên ngôn, viết có sự tổng kết, cô đọng, khái quát, nhưng đặc biệt phải chuẩn xác. Và nếu viết hay, có tính chất như lời kêu gọi hiệu triệu thì rất tốt. Hiện nay so với yêu cầu ấy, tôi thấy chưa đạt được. So với trước, lời nói đầu có bước tiến là ngắn gọn hơn nhưng đọc vào tôi thấy có mấy điểm chưa ổn... nghe gò bó, không chuẩn xác”. 

Tổng Bí thư nhận xét: “Tôi thấy sửa so với trước thì được ưu điểm là ngắn gọn hơn, súc tích hơn, nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời kêu gọi hay hiệu triệu...”

Tại đoàn TP HCM, Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, tại thời điểm này, việc sửa đổi Hiến pháp là phù hợp. “Hiến pháp chỉ thay đổi thì tình hình đất nước có thay đổi căn bản về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng. Lần này, chúng ta định hướng thay đổi rộng trong khi từ năm 1992 đến nay, về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng, về thiết chế chính trị của chúng ta chưa có gì thay đổi lớn. Vì vậy những vấn đề cơ bản nhất vẫn giữ nguyên, đó cũng là hợp lý”, ĐB Ánh nói. 

Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Huỳnh Minh Thiện cũng chung quan điểm này khi cho rằng, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp.

Thuhồi đất: Người dân chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình

Đi vào các vấn đề cụ thể, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý, thu hồi đất vì phát triển kinh tế xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không khéo sẽ bị lợi dụng, mà thực tế trong nhiều năm qua đã bị lạm dụng, lợi dụng. Vì vậy, Hiến pháp cần thiết kế lại nội dung này. Cần ghi rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. ĐB Võ Thị Dung cho rằng không cần ghi trong Hiến pháp thu hồi đất vì mục đích kinh tế-xã hội, “chỉ cần nói thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng, quốc gia và công cộng” là đủ.

ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) cũng cho rằng, thu hồi đất đai là vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm, đây cũng là lĩnh vực chiếm tới 70-80% vụ khiếu kiện, vì lợi ích của người dân bị xâm phạm. “Cần có thời gian để thực hiện Luật đất đai, tổng kết thực tiễn rồi mới hiến định vấn đề thu hồi đất vào Hiến pháp. Nếu không làm được điều đó mà hiến định ngay từ lần sửa này thì phải sửa theo hướng: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, còn sẽ do Luật đất đai quy định”, ĐB Lê Trọng Sang phát biểu.

Liên quan đến vấn đề đất đai, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, vấn đề quy hoạch, sử dụng đất đai hiện nay đang bị lạm dụng và xâm phạm quyền lợi của người dân. Sự bất an của người dân hiện nay chính là quy hoạch và sử dụng không rõ ràng, vì vậy Hiến pháp cần bảo đảm điều này để họ an tâm. “Tôi đồng ý với sửa đổi của Hiến pháp trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần hiểu người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất mà dân quan tâm nhất là quyền lợi bị xâm hại vì giá đền bù không thỏa đáng. Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh. 

Cũng theo Đại biểu Quyết Tâm, người dân không quan tâm mục đích dự án là gì mà là lợi ích của mình có được bảo đảm không. Giá đền bù của dự án nào cũng phải bằng nhau. Ví dụ, hai mảnh đất ở hai vị trí giống nhau nhưng lại nằm ở hai dự án khác nhau nên giá đền bù khác nhau. Như vậy quyền lợi của người dân đã bị ảnh hưởng. 

ĐB Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) cũng đồng tình với quan điểm, khi thu hồi đất thì phải đền bù theo giá thị trường, bất kể thu hồi vì mục đích gì. 

Cũng theo bà Tâm, trong cùng mảnh đất, giá đền bù khác nhau nếu mục đích thu hồi là khác nhau, vì vậy đã gây mất công bằng. “Nếu tâm không trong sáng thì quy hoạch có vấn đề, khi đó lợi ích của dân sẽ bị xâm phạm. Đề nghị giá đền bù thu hồi đất của dân trong mọi trường hợp đều phải phù hợp với giá thị trường. Nếu Hiến pháp không quy định rõ, chỉ để “theo quy định của pháp luật” thì dân không yên tâm, dễ bị lợi dụng, vì thế mà cần ghi “theo giá thị trường”, ĐB Tâm nói.

Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), hiện 80% đơn thư khiếu nại tố cáo đều liên quan đến đất đai. Vậy sửa luật đất đai liệu có giải quyết được tình trạng này không và phải triệt để giải quyết tình trạng này và cần phải có thời gian nhưng phải cố gắng rút ngắn nhất để giải quyết những bất cập.

Điểm mới của Hiến pháp sửa đổi là đã đưa vào qui định khi thu hồi đất, công trình phục vụ mục đích kinh tế-xã hội được bồi thường theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên nhiều qui định của pháp luật hiện đang bất cập. 

Tuy nhiên những khó khăn về giá đền bù đang là những vướng mắc. Hiện nay vẫn đang tranh luận có dùng từ thu hồi không? Thu hồi chỉ áp dụng khi sử dụng sai mục đích. Nhưng đất thuộc mấy đời cha ông có nên dùng từ “thu hồi” hay dùng trưng mua, trưng thu. Đây là điều cần phải tính toán để có chính sách đền bù như thế nào cho hợp lý. 

Về giá đền bù đất, ông Vinh cho rằng cần theo cơ chế thị trường nhưng mỗi lúc một khác. Nếu thu hồi ngay thì trả giá theo đất hôm nay. Nhưng thực tế, có quyết định thu hồi nhưng để đến hàng năm sau mới thu hồi./.


    Ý kiến bạn đọc