Đến dự còn có đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cách đây 60 năm, ngày 29-4-1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8. Từ đó đến nay, ngày 29-4 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam. Qua 60 năm trưởng thành, phát triển, ngành xây dựng đã có những chuyển biến, đổi mới quan trọng cả về nhận thức, tư duy và hành động, từ đó đã đạt được những kết quả rất nổi bật. Hệ thống pháp luật về xây dựng đã cơ bản hoàn chỉnh, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành ngày càng được nâng cao. Tốc độ đô thị hóa khá cao đạt khoảng 37,5%. Đã hình thành một hệ thống đô thị rộng lớn với 813 đô thị. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu của đất nước; đã và đang có tác động thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng và cả nước. Thị trường bất động sản hình thành và phát triển, huy động nhiều nguồn lực xã hội cho việc phát triển các sản phẩm bất động sản. Hiện nay, diện tích sàn nhà ở trên toàn quốc đạt 2,2 tỷ m 2 , bình quân 23,4 m 2 /người, tăng hơn 3,5 lần so với năm 1999.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xây dựng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Lực lượng lao động của ngành đã trực tiếp thi công hàng trăm công trình lớn, nhỏ ban đầu, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một số thành tựu đáng tự hào của ngành xây dựng, đó là, đã chuyển từ một cơ quan chủ yếu làm nhiệm vụ thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sang một cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực xây dựng; đã đổi mới và hoàn thiện thể chế pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, về quy hoạch đô thị, nông thôn, nhà đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, phát triển đô thị, nông thôn... Đồng thời, đã tập trung xây dựng và nâng cao trình độ, năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước; thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; phát triển nhanh chóng năng lực xây dựng, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ khoa học, công nghệ, đủ sức xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia với quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng ngành xây dựng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, ngành xây dựng cũng còn những hạn chế, bất cập như: Nhận thức và tầm nhìn về xây dựng chưa tương xứng; công tác quản lý Nhà nước về xây dựng nói chung và công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật về xây dựng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa giải quyết tốt các vướng mắc từ thực tiễn. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật trong các hoạt động xây dựng ở một số địa phương chưa được phát hiện hoặc chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm; kiểm soát đầu tư phát triển đô thị còn lúng túng và chưa hiệu quả; điều chỉnh quy hoạch ở một số đô thị còn tùy tiện; thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa được kiểm soát chặt chẽ...
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngành xây dựng cần tập trung chỉ đạo nâng cao nhận thức về trách nhiệm của ngành đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong tình hình mới, xây dựng tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển ngành để đảm nhận trọng trách xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng. Phát triển mạnh năng lực ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ-kỹ thuật. Gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, ổn định, minh bạch. “Cuối cùng và cũng là điều then chốt nhất là toàn ngành phải tập trung thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phục vụ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng ngành xây dựng Việt Nam.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)