Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
EmailPrintAa
10:43 16/01/2025

Ngày 15-1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội...

Đại biểu Quân đội tham dự diễn đàn có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; các nhóm doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam; chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; các tổ chức kinh tế, thương mại, nghiên cứu, đào tạo; các tổ chức ngoại giao; các hội/hiệp hội, tập đoàn công nghệ số đa quốc gia; các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Diễn đàn là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng, dấu mốc khẳng định mạnh mẽ vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: Việt Nga

Tổng Bí thư chỉ rõ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân.

Chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia, củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến, chúng ta có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến, bản sắc.

Tổng Bí thư vui mừng được biết, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số của Việt Nam ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019, minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững và vai trò quan trọng của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số ngày càng lớn mạnh, với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động; hết năm 2023, gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thị trường quốc tế, doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022, liên tục mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam rất nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý hành chính công và đổi mới sáng tạo; xếp hạng 71/193 quốc gia về mức phát triển của chính phủ điện tử; 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Lực lượng trong ngành ngày càng đông đảo, đạt hơn 1,67 triệu lao động. Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm và các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật...

Với những kết quả nổi bật nêu trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự đóng góp, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao hoa, biểu trưng tặng đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong đề xuất, nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Ảnh: Việt Nga

Chỉ ra những hạn chế của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số:

Thứ nhất, phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, lấy đó làm căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược; làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số, nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, khơi nguồn nhân tài, thu hút chuyên gia công nghệ cao; tăng cường chính sách thu hút, môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nội địa, tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.

Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ; thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thứ năm, phát triển kinh tế số và xã hội số, các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.

Thứ sáu, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế; phải đặt ra mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng.

Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2024 vinh danh nền tảng số mở YooLife AIoT Platform là sản phẩm công nghệ số tiềm năng. Ảnh: Việt Nga

Đại diện các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tôn vinh tại diễn đàn. Ảnh: Việt Nga

Thứ bảy, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam; tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đồng lòng, quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ hơn nữa; cần thấy đây không chỉ là cơ hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể, dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết 57.

Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà, tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng, mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Trước đây, Việt Nam chủ yếu ứng dụng, gia công, thì nay phải làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo sản phẩm, muốn vậy phải làm chủ các công nghệ chiến lược để phát triển bền vững. Nghị quyết số 57 giao các doanh nghiệp nòng cốt thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là mũi tên trúng hai đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, công nghệ chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Việt Nga

Tại diễn đàn, ông Dohyun Kang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin (ICT) Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm của nước này trong phát triển ngành công nghiệp số, vượt qua bẫy thu nhập trung bình; chuẩn bị cho kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), nâng cao khả năng chiếm ưu thế công nghệ. Theo đánh giá, Hàn Quốc hiện trong nhóm 3 quốc gia có khả năng cạnh tranh AI cao nhất thế giới.

Tại diễn đàn, đại diện các tập đoàn công nghệ thông tin lớn tại Việt Nam như: Viettel, FPT đã phát biểu, chia sẻ về quá trình nghiên cứu, chế tạo, làm chủ sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam và hành trình công nghệ Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới.

Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về khu vực trưng bày của Tập đoàn FPT. Ảnh: Việt Nga

Đại biểu quốc tế tham quan khu trưng bày bên lề diễn đàn. Ảnh: Việt Nga

Tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao biểu trưng tặng một số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tiên phong đề xuất, nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều 15-1, diễn ra hai phiên tham luận chuyên đề chuyên sâu về phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nguồn: NGỌC CHUNG/qdnd.vn

(https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tong-bi-thu-to-lam-khat-vong-manh-me-hon-nua-nang-tam-vi-the-viet-nam-tren-ban-do-cong-nghe-so-toan-cau-811599)


    Ý kiến bạn đọc